Bugi là chi tiết nhỏ nhưng lại có mối liên hệ khá quan trọng đến động cơ. Chính vì vậy cần thường xuyên bảo dưỡng, vệ sinh bugi định kỳ.
Bugi (Spark plug) là bộ phần cuối cùng nằm trong hệ thống đánh lửa. Đảm nhận vai trò quan trọng là phát sinh tia lửa điện ở giữa điện cực trung tâm và điện cực của bên nối mát, nhằm giúp đốt cháy hỗn hợp không khí cùng với nhiên liệu từ chế hòa khí đã được nạp trong buồng đốt. Tạo hiệu suất làm việc tối ưu cho động cơ.
Có hai loại bugi là loại nóng và loại nguội, được đặt tên theo khả năng tản nhiệt của bugi. Tùy theo động cơ mà chọn loại bugi thích hợp để xe ô tô hoạt động hiệu quả nhất.
Thông thường, bugi loại nóng được dùng cho các loại động cơ có tỉ số nén thấp, tốc độ không cao, di chuyển quãng ngắn với tốc độ thấp, có trọng tải nhẹ. Còn bugi loại nguội thường được dùng cho động cơ có tỉ số nén cao, tốc độ cao, di chuyển quãng đường dài, thường xuyên phải di chuyển tốc độ cao và có trọng tải lớn.
Đoán bệnh động cơ ô tô qua màu sắc đầu bugi
Đầu bugi màu có đỏ gạch, nâu vàng
Nếu bạn kiểm tra và thấy đầu bugi có màu sắc này thì có nghĩa là mức nhiên liệu được hòa trộn với tỉ lệ tối ưu nhất, hệ thống đánh lửa hoạt động tốt và bugi sử dụng đúng dải nhiệt độ.
Đầu cực bugi có màu đen và khô
Có hai nguyên nhân dẫn đến đầu cực bugi bị đóng mụi than và khô. Tình trạng này là do động cơ hoạt động ở mức giàu (dư) nhiên liệu hoặc nhiên liệu không được đốt hết do lọc gió bị bẩn, nghẹt.
Đầu cực bugi có màu đen nhưng ướt
Trong trường hợp bugi xuất hiện màu đen và ướt, rất có thể đã bị lọt dầu vào buồng đốt của xy-lanh và dầu bị đốt tạo nên lớp muội than đen trên đầu cực bugi.
Bugi có màu trắng
Bugi có màu trắng là dấu hiệu động cơ hoạt động quá nhiệt, bị thiếu nhiên liệu. Nguyên nhân gây nên tình trạng có thể là do lựa chọn bugi ban đầu chưa thực sự phù hợp, thời gian động cơ đánh lửa chưa tối ưu, hệ thống làm mát của động cơ gặp trục trặc.
Khoảng cách hai cực bugi lớn
Nếu sử dụng lâu dài mà không bảo trì, bảo dưỡng xe, không chú ý thay bugi mới dẫn đến tình trạng bugi đã hết hạn sử dụng, quá trình đánh lửa sẽ làm mòn cực tâm làm tăng khoảng cách đánh lửa của bugi. Làm cho khe hở đánh lửa tăng lên, giảm khả năng đánh lửa của bugi, làm giảm công suất của động cơ.
Bugi có cực âm bị bào mòn nhiều
Khi bugi chịu ảnh hưởng từ các thành phần có trong xăng và dầu động cơ sẽ dẫn đến tình trạng bị ăn mòn cực âm. Khi xảy ra tình trạng này xe khó nổ máy do động cơ bị mất lửa. Nên thay bugi mới để động cơ hoạt động mang lại hiệu quả.
Bugi bị vỡ đầu sứ
Bugi bị vỡ đầu sứ có thể vì tác động cơ khí hay bị đè nặng lên cực tâm bugi do tháo lắp sai. Cũng có thể gặp phải tình trạng do sử dụng lâu ngày bugi bị đóng cặn ở đầu sứ bugi mà không được vệ sinh hay cực tâm bị rỉ sét. Tình trạng bugi như vậy sẽ gây mất lửa, đánh lửa muộn so với thời điểm phun nhiên liệu làm giảm công suất động cơ.
Vậy bao lâu nên thay mới bugi?
Theo khuyến cáo ở các hãng xe, trung bình thì nên thay bugi sau mỗi 50.000 km, vệ sinh định kỳ sau 20.000 km. Bên cạnh đó, nếu khoảng hở ở hai đầu cực bugi rộng thì tạm thời bạn chỉ nên gõ bẹt chấu bugi gần với cực a-nốt (cực giữa) khi cực này bị mòn.