Suốt 100 năm qua, Mazda và thành phố Hiroshima (Nhật Bản) đã cùng nhau trỗi dậy mạnh mẽ, không ngừng tiến về phía trước sau thảm kịch năm 1945.
CÒN SỐNG LÀ CÒN HY VỌNG
Cái tên Hiroshima gắn liền với vụ thả bom nguyên tử kinh hoàng trong Thế chiến II. Đây là lý do du khách đến Hiroshima lần đầu không mong đợi vẻ đẹp của tự nhiên – điều họ thường tìm kiếm trong các chuyến du lịch.
Năm 1929, với dân số hơn 270.000 người, Hiroshima là cộng đồng lớn thứ bảy ở Nhật Bản. Cơ cấu công nghiệp phát triển cùng sự lớn mạnh của các ngành sản xuất sản phẩm địa phương như bông, tre, rau và hải sản giúp Hiroshima trở thành cái tên quan trọng về mặt kinh tế, chiến lược tại xứ hoa anh đào.
Cùng lúc đó, nhà máy sản xuất nút chai Toyo Kogyo được thành lập vào năm 1920, dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Jujiro Matsuda, đã sáng chế thành công xe kéo tự động ba bánh mang tên Mazda-Go.
Sau khi đưa vào sản xuất hàng loạt từ năm 1931, Mazda-Go được khách hàng Nhật đón nhận nồng nhiệt và nhanh chóng thành công. Tuy nhiên, thảm họa 1945 ập đến đã làm thay đổi hoàn toàn bánh xe lịch sử. Thành phố Hiroshima bị tàn phá nặng nề, hoạt động văn hóa, kinh tế ngưng trệ hoàn toàn.
Không đầu hàng trước nghịch cảnh, cộng đồng người dân Hiroshima cùng Mazda đã làm mọi cách để vực lại mảnh đất quê hương từ tro tàn. Chính biến cố kinh hoàng đã giúp con người xích lại gần hơn, gắn bó và khích lệ nhau không bao giờ bỏ cuộc.
Nỗ lực hết sức kể cả khi phải rơi vào những tình huống tồi tệ nhất. Chưa cần đến sự vận động của chính quyền, mỗi người dân Hiroshima đều tham gia công cuộc dọn dẹp đống đổ nát, góp phần xây dựng lại thành phố và làm việc chăm chỉ với tinh thần “còn sống là còn hy vọng”.
MUKAINADA – TINH THẦN VƯƠN LÊN TỪ NGHỊCH CẢNH
Mazda khởi sinh tại Hiroshima và dĩ nhiên không thể nằm ngoài công cuộc đại cải tổ mang tính lịch sử này. Sau vụ nổ bom nguyên tử năm 1945, riêng Mazda đã mất 119 người và có đến 335 nhân viên bị thương.
Năm 1945, nhà máy của Mazda nằm ở khu vực Mukainada, chỉ cách khu vực “Ground Zero” bị Mỹ ném bom một vài dặm về phía đông nam. May mắn thay, phần lớn diện tích nhà máy được núi Hijiyama bao bọc nên thiệt hại khá hạn chế.
Đáng nói, chỉ 4 tháng sau cuộc tấn công, việc sản xuất xe tải ba bánh Mazda-Go đã bắt đầu trở lại. Sự hồi sinh của Mazda về sau không đơn thuần là câu chuyện kịch tính về sự tái sinh của một công ty sản xuất, mà còn biểu trưng cho sự hồi sinh của cả thành phố Hiroshima.
Những đóng góp lớn lao trong công cuộc vực lại Hiroshima cùng tinh thần vươn lên mạnh mẽ suốt một thế kỷ qua đã giúp Mazda được nhớ đến bằng một cái tên đặc biệt “Mukainada Spirit”. Đó là tinh thần làm mọi thứ theo cách của mình, không bao giờ từ bỏ mục tiêu và luôn phấn đấu cho những điều xứng.
Với Mazda, sau khi khởi sinh trong tư cách nhà sản xuất nút chai vào năm 1920, hãng nhanh chóng chuyển đổi sang lĩnh vực sản xuất máy móc, ô tô, cải tiến và thương mại hóa thành công động cơ quay huyền thoại, tiến đến phát triển công nghệ SkyActiv độc quyền.
Đến năm 1962, Mazda gặp trở ngại từ chính sách mới của Bộ Thương mại và Công nghiệp, trong đó buộc nhà sản xuất ô tô lớn phải tiếp quản các công ty nhỏ hơn, để gia tăng khả năng cạnh tranh trên quy mô toàn cầu.
Áp lực từ Chính phủ đồng nghĩa với việc Mazda phải thúc đẩy quá trình phát triển sản phẩm để tồn tại độc lập. Nhưng với sự cam kết của các nhân viên trung thành như kỹ sự nổi tiếng Kenichi Yamamoto và Kazuo Takata, Mazda đã có bước nhảy vọt, đạt được thành công ở tầm quốc tế nhờ vào sự phát triển của động cơ xoay mang tính cách mạng.
Khó khăn không chỉ dừng ở đó. Đầu những năm 1990, Mazda tiếp tục phải đối mặt với cuộc đại suy thoái. Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Ford của Mỹ đã mua một lượng cổ phần đáng kể của Mazda. Đến năm 1996, lãnh đạo của Ford là Henry Wallace chính thức tiếp quản Mazda. Vào thời điểm đó, các nhà báo kinh tế coi đây là dấu hiệu suy tàn của Mazda.
Thế nhưng, sự thật hoàn toàn ngược lại. Tận dụng nguồn đầu tư tài chính của Ford và sức mạnh kỹ thuật của Mazda, thương hiệu Mazda đã được tái xây dựng và Zoom-Zoom chính thức ra đời. Khó khăn kinh tế toàn cầu dẫn đến việc Ford giảm cổ phần tài chính tại Mazda, tạo bước đà giúp hãng xe Nhật tạo nên những sản phẩm thành công như Mazda6 và Mazda3.