Đón Tết sớm – sự khăng khít trong dòng họ
Hằng năm, sau Rằm tháng Chạp, mỗi dòng họ sẽ chọn ngày đẹp (theo cách chọn ngày của thầy cúng) để tổ chức ăn Tết tại nhà tổ – nơi thờ cúng tổ tiên của mỗi dòng họ người Dao. Ngày tổ chức được thông báo tới các gia đình trong dòng họ. Chủ gia đình mang theo lễ vật (gà, thịt lợn, rượu, gạo nếp, hương, giấy vàng…) đến cùng nhau tổ chức đón Tết. Những gia đình ở gần thì tất cả các thành viên cùng đến để giúp làm các công việc cần thiết.
Theo sự sắp xếp của trưởng họ, tùy theo năng lực, mỗi người sẽ tự giác làm các phần việc của mình. Nhóm phụ nữ đồ xôi, nhặt rau, chế biến gia vị, làm các món ăn truyền thống; các thanh niên khỏe mạnh thì giã bánh dày, mổ lợn, mổ gà; phần nặn bánh cần những bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ; người già thì giúp thầy cúng cắt vàng mã, sắp xếp đồ lễ; trẻ con chơi đùa và giúp những việc vặt mà người lớn sai…
Quy định tập trung tại một địa điểm để cùng tổ chức nghi lễ là điều kiện để những người trong dòng họ có dịp gặp gỡ sau một năm bươn chải ngược xuôi. Anh em, họ hàng dù ở đâu xa cũng đều tìm về nhà tổ theo ngày đã hẹn. Tại đây họ được cùng nhau quây quần làm việc, được nói những câu chuyện chưa có dịp giãi bày. Tiếng nói cười xôn xao cả một vùng rừng núi, xao xuyến cả nụ đào chúm chím trong nắng xuân…
Tư duy trọn nghĩa, vẹn tình
Sống trọn nghĩa, vẹn tình, có trước, có sau là nét đẹp trong ứng xử của cộng đồng dân tộc Dao Thanh Phán. Việc tổ chức đón Tết sớm là một trong những cách ứng xử thể hiện nhiều nhất lối sống đó. Trước bàn thờ tổ tiên, đạo lí của người Dao hiện diện trang nghiêm, thành kính.
Bàn thờ tổ tiên của người Dao Thanh Phán như một ngôi nhà nhỏ đặt trong gian giữa ngôi nhà của trưởng họ, bưng kín 3 mặt, mặt còn lại để đặt đồ cúng và thắp hương. Khi có những việc lớn, người Dao cúng tổ tiên 9 đời, hằng ngày thì chỉ cúng 3 đời.
Sau khi lễ vật được chuẩn bị tươm tất, thầy mo (cũng có thể là trưởng họ) sẽ thực hiện các nghi thức khấn mời tổ tiên về thụ lễ. Người Dao cho rằng mình đã mời tổ tiên xuống giúp bảo vệ nhà cửa, mùa màng trong một năm (thực hiện ở nghi lễ đầu năm mới), đến cuối năm thì phải có lễ tạ ơn. Sau khi tổ chức được buổi ăn Tết chung tại nhà tổ thì các gia đình mới về chuẩn bị đón Tết ở nhà.
Ở các thôn bản có người Dao Thanh Phán sinh sống dường như không khí Tết đến sớm hơn nơi khác. Trong nửa cuối tháng Chạp, nếu ai có dịp được trải nghiệm lễ đón Tết sớm chắc rằng sẽ yêu hơn vẻ bình yên của những bản làng ven sườn núi, quý mến hơn sự chất phác, thật thà của con người ở đó, yêu quý nét đẹp của sự gắn bó bền chặt, ứng xử có trước, có sau, trọn nghĩa vẹn tình.