Các tập đoàn lớn của thế giới như Google, Temasek và Bain&Company dự báo, với tốc độ tăng trưởng 29% trong cả giai đoạn 2020-2025, quy mô của nền kinh tế số Việt Nam có thể vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) năm 2020, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề với nền kinh tế toàn cầu, các hoạt động sản xuất, cung ứng, thông thương… đều bị đình trệ, gián đoạn và không ít doanh nghiệp đã phải tạm ngừng kinh doanh, giải thể, phá sản hoặc thu hẹp quy mô sản xuất.
Tuy vậy, cũng có rất nhiều doanh nghiệp Việt đã tìm ra hướng đi, nhanh chóng triển khai những giải pháp để duy trì hoạt động như đẩy mạnh hoạt động trên thị trường thương mại điện tử, cải thiện sản phẩm, chuyển đổi dịch vụ để phù hợp với thị trường, tích cực tìm kiếm thị trường đầu ra.
Các doanh nghiệp sản xuất nằm trong nhóm lớn nhất cả nước đều đưa thương mại điện tử vào chiến lược phát triển dài hạn để đối phó với khủng hoảng và xây dựng kênh phân phối mới.
Đặc biệt ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam 2020 cũng ghi nhận trên 113 triệu lượt xem và tương tác của người tiêu dùng trên các nền tảng trực tuyến của Online Friday, thị trường ghi nhận 3,7 triệu đơn hàng được giao dịch trong 60h, tăng 267% so với cùng kỳ.
Những tín hiệu tích cực trên đã giúp thương mại điện tử Việt Nam đạt kết quả tăng trưởng ấn tượng – 18% với quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số.
Quy mô thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 đạt 11,8 tỷ USD, cũng thấp hơn nhiều so với dự báo của nhiều tổ chức trước đó, khi cho rằng có thể đạt khoảng 14-15 tỷ USD.
Từ năm 2021, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số sẽ triển khai Chương trình GoOnline – với nhiệm vụ đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình ứng dụng Thương mại Điện tử từ khi bắt đầu đến lúc kinh doanh, hoạt động được trên môi trường trực tuyến.
Chương trình có sự đồng hành của các tập đoàn viễn thông, công nghệ, hệ thống Thương mại Điện tử lớn nhất cả nước, nhắm đến đối tượng là các nhà sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân trên toàn quốc muốn tiếp cận và ứng dụng Thương mại Điện tử. Đặc biệt, trong những tình huống khẩn cấp như dịch bệnh và hàng hóa cần giải cứu, chương trình cũng hình thành một liên minh có kết nối chặt chẽ để triển khai các công tác hỗ trợ.
Các nhóm giải pháp được đưa ra cụ thể, như: Triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp lên sàn Thương mại Điện tử; chương trình hỗ trợ chi phí chuyển phát; chương trình dán nhãn chuyển phát an toàn; hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khi tham gia lên các sàn Thương mại Điện tử; xây dựng nhà phân phối sản phẩm Việt uy tín và phát động truyền thông Chương trình GoOnline.
Cùng với sự nỗ lực phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị, thị trường Thương mại Điện tử Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện, đảm bảo an toàn trong giao dịch, mua bán. Từ đó, tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng và bức tranh toàn cảnh cho Thương mại Điện tử Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ có nhiều bứt phá.