Những thương hiệu xe “bình dân” có xu hướng sản xuất những mẫu xe có thiết kế đơn giản nhằm hạ thấp giá thành, tiếp cận được nhiều người tiêu dùng hơn.
Trong khi các thương hiệu xe sang cố gắng làm ra những sản phẩm tiện nghi, phức tạp nhất có thể nhằm thu hút khách hàng thì ở chiều ngược lại những hãng xe bình dân có xu hướng sản xuất những chiếc xe đơn giản nhằm hạ thấp giá bán, tiếp cận được nhiều người tiêu dùng hơn.
Citroen 2CV (1948)
Với thương hiệu xe Pháp – Citroen, đã thiết kế ra chiếc 2CV có thiết kế đơn giản, giá thành càng thấp thì càng tốt. Vào thời bấy giờ, ông Pierre-Jules Boulanger – Chủ tịch của Citroen, từng phát biểu định hướng cho nhân viên rằng ô tô phải là phương tiện thay thế cho xe đạp, xe máy và xe ngựa, có giá cả phải chăng, nhiều người dễ dàng tiếp cận.
Ra mắt vào năm 1948, chiếc Citroen 2CV nguyên bản sử dụng mui bạt kéo dài từ kính chắn gió trước đến sau, xe được trang bị khối động cơ xy-lanh đôi, sản sinh công suất tối đa chỉ 9 mã lực. Đèn báo rẽ vẫn chưa phổ biến vào thời điểm đó, vì thế mà các tài xế buộc phải xoay kính xuống để “thò” tay ra báo hiệu.
Chevrolet Corvette (1953)
Vỏ xe Chevrolet Corvette có thiết kế đẹp, cấu tạo bằng sợi thủy tinh. Tuy nhiên bên dưới nắp capo lại là động cơ Blue Flame lỗi thời mà hãng Chevrolet đã sử dụng từ rất lâu, nhưng các khách hàng cũng có thêm tùy chọn động cơ V8.
Dù không có cấu tạo phức tạp nhưng chiếc Chevrolet Corvette thế hệ đầu tiên (1953) lại là một mẫu xe rất có giá trị vào thời điểm đó.
Messerschmitt Kabinenroller (1953)
Chiếc KR175 (Messerschmitt Kabinenroller) là một mẫu xe ô tô ba bánh đơn giản chỉ có 2 chỗ ngồi. Sức mạnh của xe đến từ động cơ xy-lanh đơn hai kỳ, làm mát bằng gió. Đáng tiếc là, dòng xe này đã bị dừng sản suất vào năm 1964.
BMW Isetta (1955)
Mặc dù Isetta là ý tưởng ban đầu của công ty Iso tại Ý nhưng BMW mới là hãng xe đưa tên tuổi của dòng xe này trở nên nổi tiếng. Phiên bản BMW Isetta vẫn giữ nguyên những nét thiết kế cơ bản so với bản gốc của công ty Iso, xe được trang bị động cơ xy-lanh đơn, có công suất 12 mã lực do chính BMW sản xuất.
Fiat 500 (1957)
Hãng Fiat đã phát triển dòng Fiat 500 dẫn động cầu sau để thu hẹp khoảng cách về giá bán giữa xe máy và ô tô. Trọng lượng và độ phức tạp khi gia công là hai yếu tố cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến giá thành sản xuất.
Kỹ sư Dante Giacosa của Fiat đã đặt hệ thống truyền động phía sau khoang hành khách để làm cho chiếc xe nhỏ hơn, nhẹ hơn bằng cách loại bỏ các bộ phận như trục truyền động. Với mục tiêu giảm chi phí sản xuất xuống mức tối thiểu, chiếc Fiat 500 đời đầu đã được sử dụng động cơ xy-lanh đôi, làm mát bằng không khí, công suất 13 mã lực.
Morris Mini-Minor (1959)
Chiếc Morris Mini-Minor nguyên bản được Alec Issigonis chế tạo. Để tiết kiệm không gian, Alec Issigonis đã đặt động cơ 4 xy-lanh lên trực tiếp hộp số sàn thay vì sắp xếp chúng cạnh nhau, hai bộ phận này cũng được sử dụng chung một loại dầu.
Renault 4 (1961)
Renault 4 được coi là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Citroen 2CV đã điểm trên. Nguyên tắc thiết kế của 2 chiếc xe này hoàn toàn khác biệt. Trong khi Citroen 2CV được sản xuất với mục đích thay thế cho các phương tiện thô sơ, thì Renault 4 lại hướng đến một mẫu xe rẻ, bền, tiện dụng.
Được ra mắt vào năm 1961, hàng ghế sau trên chiếc Renault 4 có thể gập lại để tăng diện tích khoang chứa đồ. Cửa sổ xe được mở theo kiểu kéo ngang nhằm cắt giảm chi phí sản xuất.
Trabant 601 (1964)
Được thiết kế để thay thế đàn anh Trabant 600, Trabant 601 là chiếc xe đơn giản và rẻ nhất mà các nước Đông Âu lúc đó từng sản xuất.
Chiếc xe này thậm chí còn không sử dụng động cơ 4 thì, trong suốt 30 năm, hãng sản xuất quyết định chỉ trang bị cho Trabant 601 loại động cơ 2 thì, 2 xy-lanh. Trong khi thân xe được chế tạo bằng loại nhựa cứng Duroplast.
Mãi cho đến năm 1990, Trabant 601 mới nhận được sự nâng cấp đáng kể đầu tiên bằng việc sử đụng động cơ 4 thì, 4 xy-lanh, dung tích 1.1L của Volkswagen.
Porsche 914 (1969)
Porsche 914 cung cấp cho người sử dụng một hiệu suất đáng nể kèm theo khả năng xử lý rất tốt. Bên cạnh số ít xe được trang bị tùy chọn động cơ 6 xy-lanh, việc sử dụng động cơ 4 xy-lanh trên 914 giúp cho mẫu xe này rất dễ sửa chữa và bảo dưỡng.
AMC Gremlin (1970)
Có rất ít ô tô sản xuất tại thị trường Mỹ vào thập niên 70 có cấu tạo đơn giản nhưng chiếc AMC Gremlin là một chiếc xe như vậy. Mẫu xe này được chế tạo với mục đích cạnh tranh với dòng xe phổ thông nhập khẩu từ Châu Âu và Châu Á nên chi phí sản xuất là yếu tố vô cùng quan trọng.
Được giới thiệu vào năm 1970, chiếc Gremlin tiêu chuẩn chỉ có 2 ghế ngồi. Những khách hàng có nhu cầu chở thêm người phải trả thêm tiền cho tùy chọn hàng ghế sau.
Doanh số của mẫu xe này rất ảm đạm khi chỉ có hơn 800 chiếc được bán vào năm 1970 và hãng AMC đã dừng sản xuất dòng xe Gremlin ở năm tiếp theo.