Văn hóa Việt Nam là một thế giới đầy ắp các biểu tượng. Hầu hết các biểu tượng văn hóa Việt là những sự vật, sự việc gần gũi thân thương và luôn gắn liền với cuộc sống lao động của cư dân làm nông nghiệp. Nổi bật trong hệ thống biểu tượng của văn hóa Việt là biểu tượng trâu.
Biểu tượng tài sản, phương tiện lao động, người bạn gần gũi hiền lành
Nền nông nghiệp trồng lúa nước của người Việt sử dụng sức kéo của trâu, bò để làm đất phục vụ trồng trọt. Chính vì thế trâu trở thành tài sản lớn nhất và quý giá nhất của người nông dân. “Đêm qua kẻ trộm vào nhà/ Làm thinh chợp mắt để mà mất trâu/ Nằm đây chớ chẳng ngủ đâu/ Thức mà giữ lấy con trâu con bò/ Nằm đây nào đã ngủ cho/ Thức mà giữ lấy con bò con trâu”. Trâu là tài sản lớn và quý giá nên người nông dân luôn có ý thức và nêu cao tinh thần bảo vệ nó dù có phải đánh đổi bằng nhiều thời gian và sức khỏe của mình vì họ xác định: “Làm ruộng không trâu/ làm giàu không thóc”; “Con trâu là đầu cơ nghiệp”.
Nông dân và nhà nước phong kiến Việt Nam đặc biệt coi trọng tài sản và phương tiện sản xuất là trâu. Năm 1123, vua Lý Nhân Tông nhấn mạnh: Trâu là con vật quan trọng cho việc cày cấy. Từ nay cấm không được giết trâu ăn thịt. Ai làm trái thì trị tội theo pháp luật. Luật Hình như (thời Lý), Hình luật (thời Trần) đều quy định cụ thể những hình phạt về tội ăn trộm và giết hại trâu bò. Ai bao che hoặc cố tình làm ngơ khi biết hành động của những kẻ trộm cắp trâu, bò cũng đều bị trừng phạt rất nặng.
Với vai trò đặc biệt của mình, con trâu luôn gắn liền với mọi hoạt động trong lao động và đời sống của người Việt.
Trong hội họa, điêu khắc và kiến trúc dân gian trâu luôn xuất hiện với vai trò là biểu tượng tài sản, phương tiện lao động, người bạn có phẩm chất gần gũi hiền lành của người nông dân. Các tác phẩm: Cưỡi trâu thả diều, Thư giãn, Cưỡi trâu thổi sáo (tranh Đông Hồ); các phù điêu hình tượng trâu tại các công trình kiến trúc dân gian: Chùa, đền làng, nhà thờ… thể hiện rất rõ điều này. Người Việt quan niệm: trong cuộc đời mỗi con người có ba sự kiện quan trong là “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà”, tài sản lớn và quý nhất là: “ruộng sâu, trâu nái”. Mái nhà cộng đồng của nhiều dân tộc được tạo hình đầu trâu như: Nhà cộng đồng người Cơ Tu (Nhà Gươl), nhìn từ xa, toàn bộ cấu trúc nhà Gươl mô phỏng hình dáng con trâu; trên mái nhà Rông của người Giẻ Triêng cũng có biểu tượng của hai chiếc sừng trâu.
Biểu tượng của sức mạnh, tinh thần thượng võ
Trâu là loài vật có thân hình lo lớn, vạm vỡ và vững vàng. Khối lượng sơ sinh của mỗi chú nghé con đạt 28 đến 30kg, khi trưởng thành đạt 600 đến 800kg đối với trâu cái, 750 đến 900kg đối với trâu đực. Do đặc điểm về loài nêu trên, cộng với khả năng thích nghi tốt trong điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh sống mà trâu nhanh chóng trở thành biểu tượng cho sức khỏe, sức mạnh và tinh thần thượng võ của người Việt: “Trâu năm sáu tuổi còn nhanh/ Bò năm sáu tuổi đã tranh về già/ Đồng chiêm xin chớ nuôi bò/ Mùa Đông tháng giá, bò dò làm sao”.
Để thể hiện sức khỏe, sức mạnh của con người, người Việt thường dùng biện pháp so sánh: “Khỏe như trâu”, “Mạnh như trâu”.
Biểu tượng trâu trong văn hóa Việt được lấy làm biểu tượng của Đại hội Thể thao Đông Nam Á (Sea Games 22) tổ chức tại Việt Nam năm 2003. Ban tổ chức Sea Games 22 giải thích: “Biểu tượng vui của Sea Games 22 được đặt tên là Trâu Vàng. Với bản chất hiền lành, hòa đồng và chăm chỉ, hình ảnh con trâu gần gũi, thân mật với người dân trong nền văn minh lúa nước của Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Trâu Vàng (còn gọi là Kim Ngưu) gắn với sự tích hồ Tây của Thủ đô Hà Nội. Trâu Vàng tượng trưng cho ước vọng về mùa màng tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc, sức mạnh và tinh thần thượng võ của người Việt. Chiếc khố màu đỏ tượng trưng cho trang phục truyền thống thời dựng nước của Việt Nam”.
Biểu tượng của sự thanh bình, ấm no, hạnh phúc
Trong nền văn hóa Việt, trâu còn là biểu tượng của sự thanh bình, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. “Trâu ta ăn cỏ đồng ta/Tuy rằng cỏ cụt nhưng là cỏ thơm”, những con trâu thảnh thơi gặm cỏ trên đồng tạo cảm giác thanh bình, yên ả cho làng quê Việt Nam. Chiều chiều, trâu thong thả về chuồng sau một ngày cày ruộng hoặc ăn cỏ với những em bé trên lưng ngồi thổi sáo hay đọc sách là biểu hiện của cuộc sống thanh bần nơi thôn dã nhưng ấm no, hạnh phúc, an lành.
Hình ảnh chú ghé con thư thái gặm cỏ trên cánh đồng bát ngát trong lành cùng với những lời thủ thỉ của người chủ “Nghé ơi ta bảo nghé này/ Nghé ăn cho béo nghé cày cho sâu/ Ở đời khôn khéo chi đâu/ Chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ cần” tạo ra không gian làng quê Việt Nam thanh bình với những đồng lúa xanh mướt, bát ngát tận chân trời…
Tuy công việc nhà nông vất vả nhưng thông qua những câu ca dao: “Rủ nhau đi cấy đi cày/ Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu/ Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa”. Chúng ta thấy: Người nông dân luôn yêu đời, lạc quan tin tưởng vào tương lai. Hình tượng con trâu cần mẫn bên con người trong công việc cày cấy tạo ra niềm vui lan tỏa khắp không gian lao động.
Trâu là một trong những loại động vật được thuần dưỡng và trở thành vật nuôi sớm nhất, gần gũi nhất của người Việt. Ngay từ khi khi ngành chăn nuôi được hình thành, trâu đã trở thành loài gia súc chính, được chăn nuôi nhiều nhất, có vai trò đặc biệt quan trọng trong cả đời sống vật chất và tinh thần của con người. Đối với cư dân nông nghiệp lúa nước, trâu vừa là tài sản lớn, vừa là phương tiện sản xuất quan trọng và hiệu quả nhất. Trên cơ sở đó, trâu nhanh chóng trở thành biểu tượng tiêu biểu và đặc sắc nhất trong nền văn hóa Việt.