Chuyến xe chở chúng tôi ngược Tây Bắc đúng vào ngày 28 Tết, mà tháng Chạp năm đó chỉ có 29 ngày, như vậy chỉ còn một ngày mai nữa, chúng tôi sẽ được đón Giao thừa cùng cánh thợ đắp đập bê tông vòm thủy điện Nậm Chiến tại cao độ 1.270m, trên đỉnh đèo Sam Sít vùng cao huyện Mường La, tỉnh Sơn La.
Công trình thuỷ điện Nậm Chiến 1 |
Quốc lộ 6 ngược Mộc Châu – Sơn La hôm ấy dường như chỉ dành riêng cho vài chiếc xe công vụ, tuyến đường thưa vắng chỉ thi thoảng mới gặp những chuyến xe khách ngược chiều về xuôi chuyến cuối cùng trong năm. Chiếc Land Cruiser dã chiến chuyên chạy công trường đã an toàn vượt qua 2 đoạn đèo nguy hiểm nhất do sương mù đặc quánh bao phủ là đèo Thung Khe, thuộc địa bàn tỉnh Hòa Bình và cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) đi đến tận Hát Lót mới chịu dừng lại để ăn trưa.
Thủy điện Nậm Chiến đang bước vào giai đoạn tích nước vào hồ chứa. Toàn bộ hệ thống cửa nhận nước đã hoàn thành và đưa vào hoạt động an toàn. Đây là mục tiêu cốt lõi nhằm tích đủ lượng nước phục vụ cho tổ máy số 1 công suất 100MW phát điện vào đầu quý III. Tại gian máy chính của nhà máy, số thiết bị của buồng xoắn và lõi rotor nặng hơn 40 tấn đã được tập kết, từng tốp thợ cơ khí SOMECO đang tập trung tổ hợp, hàn đính và căn chỉnh. Giám đốc Chi nhánh trực thuộc Công ty SOMECO cho biết: Công ty đảm nhận toàn bộ công tác lắp đặt trên 4.000 tấn thiết bị của Nhà máy, nhưng trước hết là chế tạo và lắp hơn 4.300 tấn đường ống áp lực có đường kính 3,8m trong đường hầm dẫn nước vào turbine. Đây là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp vì mặt bằng đồi dốc, hiểm trở, thiết bị lại to, nặng cồng kềnh. Mốc chỉ tiêu của Chủ đầu tư và Ban điều hành đề ra là phải đạt từ 60-80m dài trong tháng, nhưng do tiến độ công trình đã chậm trễ trong khi lòng hồ đã tích nước thì việc thi công tuyến áp lực cần phải tăng nhanh. Do vậy SOMECO cần nhiều biện pháp sáng tạo, tăng lực – tăng ca. Trong 4 tháng cuối năm, SOMECO đã áp dụng sáng kiến tổ hợp ghép những khoanh ống hàn định vị từ phía ngoài, làm mới tuyến đường ray, dùng xe goòng vận chuyển vào hầm thi công tuyến ống áp lực. Nhờ vậy mà năng suất tăng vượt từ 80, 120 rồi 180m dài/tháng. Kĩ sư cơ khí Trần Quốc Tuấn và kĩ sư Nguyễn Phương Châu nói rằng, nếu vài tháng trước chúng tôi có mặt ở đây thì sẽ bị ngộp bởi những khoanh đường ống nằm chồng đống như những dãy núi ngổn ngang ở các mặt bằng thi công, đến hôm nay toàn bộ đã được xếp gọn trong lòng núi, chả còn lại mảnh thừa nào!
Một góc bản Mường Chiến, |
Thủy điện Nậm Chiến có những đặc thù riêng không giống như các thủy điện khác ở trong nước đã làm. Đây là nhà máy có công suất 200MW mà Chủ đầu tư đồng thời là nhà tổng thầu chính là Tập đoàn Sông Đà chủ động từ khâu thiết kế, xây dựng và lắp đặt thiết bị. Công trình này được áp dụng phương pháp đắp đập theo khối vòm hình cong như vỏ trứng lần đầu tiên xây dựng ở nước ta. Theo tính toán của các nhà khảo sát thì lợi thế của việc đắp đập vòm ở Nậm Chiến là do tận dụng được đoạn ngăn đập dâng nước vừa hẹp vừa đạt mục tiêu ở hai phía chân đập đều tì vào vách núi vững vàng kiên cố tạo việc ứng dụng một thủy điện có cột nước cao, đồng thời giảm được rất nhiều khối lượng bê tông sắt thép… Không chỉ có vậy, Nậm Chiến còn có một đường hầm dẫn nước dài hơn 10km đào ngầm trong lòng núi cũng thuộc loại hầm dài nhất Đông Nam Á. Có lẽ vì những đặc thù độc đáo đó mà Thủ tướng Chính phủ nhân chuyến đi thị sát công trình Thủy điện Sơn La hồi giữa năm đã đến tận Thủy điện Nậm Chiến để xem xét và nghe lãnh đạo Tập đoàn báo cáo công tác thi công dự án.
Giải thích vì sao Nậm Chiến phải làm việc vào những ngày Tết, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Chiến cho biết: Hiện tại, nhiều hạng mục chủ yếu phục vụ cho việc tích nước đã hoàn thành, đạt mục tiêu như các hầm phụ, hầm dẫn dòng, hầm dẫn nước, cửa nhận nước, các gương hầm, các hành lang, van tường hầm, tháp điều áp, trạm OPY, cầu và đường thi công v.v… Còn lại việc cấp thiết trước mắt là công tác tiếp nhận thiết bị các tổ máy và các công tác lắp đặt thiết bị. Theo đó, việc bức thiết cần gấp rút hoàn thành trước mùa lũ sắp tới là đập vòm cần phải đạt đỉnh mức 93,5m để vượt lũ an toàn cho công trình vào tháng 3 tới. Trong buổi đàm phán trước Tết, nhóm chuyên gia Ấn Độ (Hãng B’Heo) là nhà cung cấp thiết bị vừa thông báo rằng: Các chuyến tàu chở thiết bị tổ máy có thể cập cảng Việt Nam vào các ngày từ 22 đến 26/1 lại đúng vào giữa kì nghỉ Tết, do vậy phần lớn lực lượng lắp máy và đơn vị vận chuyển thiết bị sẽ phải ứng trực để tiếp nhận các kiện hàng, đồng thời vận chuyển, sắp xếp theo trình tự để phục vụ cho thi công các tổ máy. Trên tuyến năng lượng ở khu vực đầu mối luôn luôn có tới trên 400 cán bộ, kĩ sư, công nhân (hầu hết đều sinh sống ở Thủ đô) đã thay nhau làm việc 3 ca, mặc sương mù gió rét, bởi công việc đắp đổ bê tông tại đập vòm là quy trình thi công liên hoàn theo dây chuyền từ bốc xúc cát đá xi măng đổ vào các trạm trộn, sang bộ phận làm lạnh đến rót, đổ, đầm, nén sẽ phải thực hiện liên tục không thể ngừng hay thiếu bất kì một khâu nào cho đến khi hoàn thành từng đợt, khoảng 100m3/đợt. Ý thức mức độ quan trọng và cấp thiết của dự án, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam đã biệt phái một Phó Tổng giám đốc đến công trình cùng với tập thể Ban điều hành phối hợp với các nhà thầu thường trực đôn đốc, kiểm tra các lực lượng thi công xây lắp bảo đảm định mức an toàn chất lượng. Vào những ngày cuối năm, đồng bào các dân tộc tại các bản Nậm Păm, Nậm Pịa, Ngọc Chiến và Chiềng San chưa đến mùa vụ canh tác, nương rẫy thưa thớt người làm việc, tất cả đang nghỉ đông và chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Đứng trên độ cao ở đỉnh đèo Sam Síp nhìn lên dãy núi phía Bắc với khoảng cách vài chục cây số là địa bàn xã Mù Căng Chải thuộc tỉnh Yên Bái. Chếch sang phía phải, dưới chân đèo là khu vực Tuyến năng lượng của Nhà máy nằm song song với dãy núi Pà Ngần, mây trắng giăng giăng bay bồng bềnh như chiếc khăn voan khổng lồ uốn lượn… Đèo Sam Síp có tên từ khi nào chưa ai biết. Các già làng, trưởng bản ở xã Ngọc Chiến nói rằng: Xưa kia chả mấy ai đi lên tới đỉnh đèo. Đó là con đường độc đạo chỉ dành cho ngựa thồ của những nhà buôn lưu thông hàng hóa giữa Mường La – Sơn La sang Nghĩa Lộ – Yên Bái mà thôi. Từ ngày công nhân đến làm Nhà máy, ăn nước dòng suối Chiến để làm ra ánh sáng, thì Sam Síp như bừng tỉnh, đường được nới rộng ra, 36 bậc thang lên đèo xưa cũ nay đã được san ủi hạ thấp độ dốc đứng, ngày ngày âm vang rộn ràng tiếng máy, tiếng xe cơ giới…
Ngay từ chiều mùng 1 Tết năm ấy, tại mặt bằng trên đỉnh đèo Sam Síp, hơn 300 cán bộ, công nhân đã có mặt tại hiện trường cùng với lãnh đạo Ban điều hành và Ban Chỉ huy công trường nâng chén rượu mừng Xuân trong không khí phấn khởi tiến quân vào ca lao động đầu năm với mục tiêu hoàn thành 3.000m3 bê tông tại đập vòm (tính đến ngày mùng 7 Tết âm lịch) nhằm tiến tới hoàn thành công tác chống lũ thắng lợi.