Sa Pa mù sương…
Dọc đường từ TP Lào Cai đến với Sa Pa, anh lái xe vui tính mở to bản nhạc “Sa Pa thành phố trong sương” của nhạc sĩ Vĩnh Cát. Giọng ca mượt mà của ca sĩ Trọng Tấn đã hút hồn chúng tôi theo giai điệu “Ôi Sa Pa, mù sương, Ơi Sa Pa! Sa Pa thành phố trong sương…”. Bài hát ngân nga trong đêm dài, đung đưa, lắc lư theo cung đường, đưa chúng tôi tới thị trấn Sa Pa vào buổi sáng mùa Đông.
Sáng ở Sa Pa sương tan muộn, thị trấn ngủ đông chỉ thức dậy với những đoàn xe du lịch qua đêm sáng nay về tới bến.
Chúng tôi tìm tới nhà người quen – vợ chồng cháu Đàm Thị Hợi, ở cuối phố Điện Biên Phủ, theo vai vế trong gia đình, Hợi phải gọi tôi là bác. Hơn 40 tuổi, Hợi là chủ lò bánh mì Hương Lan nổi tiếng ở thị trấn Sa Pa.
Cả ngày hôm đó, Trường (chồng của Hợi) trong vai hướng dẫn viên du lịch đưa chúng tôi đi thăm Sa Pa “thành phố sương mù”. Theo Trường, Sa Pa mùa nào cũng đẹp.
Bây giờ đang đầu mùa Đông thời tiết khá lạnh nhưng không buốt. Buổi sáng, cả thị trấn bồng bềnh trong mây, không khí trong lành và yên bình. Trong màn sương huyền ảo vẽ nên Sa Pa như một bức tranh sơn thủy hữu tình.
Từ giữa tháng 12 những đợt rét đậm đã về. Nghe tin thời tiết, không chỉ có các tay săn ảnh, mà du khách chúng tôi cũng muốn chứng kiến và tận hưởng mùa tuyết rơi ở Việt Nam, lại rủ nhau đổ về hai vùng Mẫu Sơn (xứ Lạng) và Sa Pa.
Sa Pa thành phố mờ sương |
Thế nhưng tuyết rơi ở vùng Mẫu Sơn thường ít hơn Sa Pa và ngay cả khi chưa có tuyết thì trên đỉnh Phan Si Păng mái nhà Đông Dương cũng đã chìm trong băng giá. Ngắm tuyết rơi thì có thể lên Mẫu Sơn nhưng săn mây ở cổng trời thì các nhiếp ảnh gia và dân phượt quả quyết rằng, ở Việt Nam chỉ ở thiên đường mây cổng trời Ô Quy Hồ suốt bốn mùa có biển mây quyến rũ. Chúng tôi chưa lần nào được ngắm tuyết rơi ở Sa Pa, ngay cả du lịch vào những ngày cuối năm này cũng chưa có tuyết rơi, nhưng bù lại là những ngày thuận lợi cho việc ngắm biển mây trên đỉnh Ô Quy Hồ.
Chuyện tình trên đỉnh Ô Quy Hồ
Đèo Ô Quy Hồ nằm trên tuyến quốc lộ 4D, chạy ngang dãy Hoàng Liên Sơn. Con đèo được ví như cầu nối giữa 2 tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Đỉnh đèo chính là ranh giới giữa 2 tỉnh. Nói về những con đèo vĩ đại ở Việt Nam, người ta nhắc tới tên tứ đại đỉnh đèo là Ô Quy Hồ (Lào Cai), Khau Phạ (Yên Bái), Pha Đin (Điện Biên) và đèo Mã Lí Pèng (Hà Giang). Trong số này, Ô Quy Hồ có độ cao 2000m so với mặt nước biển, dài gần 50km, là đèo dài nhất vùng núi Tây Bắc và cũng là một trong số những cung đường đèo hiểm trở và hùng vĩ bậc nhất Việt Nam…
Từ đỉnh Ô Quy Hồ có thể nhìn thấy dãy Hoàng Liên Sơn mờ ảo trong nắng chiều. Cũng từ đây có thể nhìn thấy đỉnh Phan Si Păng chìm trong màn sương khói trắng. Nếu đến Sa Pa thiên đường của “thành phố sương mù”, thì đến với Ô Quy Hồ chính là đến với “cổng trời”, biển mây của thiên đường ấy. Từ cổng trời “vén” mây nhìn xuống, cảnh đẹp điệp trùng của dãy Hoàng Liên Sơn, núi, mây hư ảo như chốn cảnh tiên neo lòng lữ khách. Truyền thuyết xưa kể rằng, có một tiều phu tên Ô Quy Hồ người con trai cả của thần núi Ai Lao thổi sáo rất hay ở thác Tình Yêu (thác cách thị trấn Sa Pa 3 km về hướng Nam, cách đèo Ô Quy Hồ 4 km về hướng Bắc).
Trong truyền thuyết, Seven Angels là nàng tiên thứ bảy con Ngọc Hoàng, thường cùng các chị là tiên nữ hạ giới xuống trần nô đùa, tắm tiên ở “thác Tình Yêu”, họ quay về Trời trước khi mặt trời lặn. Nhưng tiếng sáo của chàng tiều phu Ô Quy Hồ đã làm say đắm Seven Angels, vì mải mê nghe tiếng sáo, nàng quên đường về chốn thần tiên. Chàng tiều phu Ô Quy Hồ vốn là con trai của thần núi, nhưng lại say mê cảnh sắc thiên nhiên và có tài thổi sáo trúc, không chịu nối nghiệp cha, nên bị cha hóa phép làm thường dân.
Ngày nào nàng tiên thứ Bảy cũng giả vờ xuống trần đi tắm tiên để hẹn hò và nghe Ô Quy Hồ thổi sáo. Khi Ngọc Hoàng phát hiện, ra sức ngăn cản vì mối tình không môn đăng hộ đối, thì nàng Seven Angels vì quá yêu chàng tiều phu, nên hóa thành một con chim long vàng, hàng ngày cứ bay mãi ở khu vực con đèo nơi hai người bao ngày hò hẹn, vừa bay vừa kêu tiếng lòng da diết: “Ô Quy Hồ, Ô Quy Hồồồ…”. Cái tên con đèo bắt nguồn cũng từ đó.
Sải mây mang hình cánh chim trên đèo Ô Quy Hồ |
Truyền thuyết xưa mãi là truyền thuyết, nhưng bức ảnh cộng đồng mạng chia sẻ thì không xưa chút nào. Có người tin, cũng có người không tin, cho là ảnh chế, đó là bức ảnh những giải mây màu trên đèo Ô Quy Hồ, dưới ánh sáng của hoàng hôn sắp lặn hắt lên bầu trời, tạo thành đôi cánh chim sải rộng đang bay trên đỉnh đèo. Người ta bảo đám mây tạo hình cánh chim đó là linh hồn của nàng Seven Angels bất tử gọi tên Ô Quy Hồ người tình bất tử.
Không phải tay săn ảnh nào cũng chụp được linh ảnh của giải mây ngũ sắc tạo thành cánh chim sải bay trên đỉnh Ô Quy Hồ. Tác giả của bức ảnh này chưa rõ, nhưng nó có trong bộ sưu tập của những tay săn ảnh và du khách. Họ đến đây cả bốn mùa để “săn mây”, “săn hoàng hôn”… săn chụp những linh ảnh trong biển mây nơi cổng trời mang màu sắc huyền thoại của chuyện tình, đôi uyên ương nghìn năm đượm buồn trên đỉnh Ô Quy Hồ.