Muốn khám phá vẻ đẹp của sông Yên, xin hãy “cẩn thận” leo lên tầng hai để mục kích cảnh sông nước yên bình với làn gió mang hơi nước mát từ sông thổi lên. Bạn sẽ được mục kích dòng nước từ trên đập cao chảy qua các cống xả tung bọt trắng xóa cuồn cuộn xoáy, chảy về xuôi. Ngước tầm nhìn xa hơn, ở hạ lưu, hai bên bờ sông có những rặng tre xanh, bao bọc những xóm làng yên ả, thanh bình, thỉnh thoảng những làn khói chiều lan toả sau những rặng tre, giàn mướp,…
Cư dân săn cá mòi trên sông Yên ngày mùng 6 Tết Tân Sửu. |
Đập nước sông Yên, thu hút nhiều người đến tham quan, ngắm cảnh, câu cá hóng mát… Đặc biệt, sông Yên có loài cá mòi, được xem là “đặc sản”, cứ sau Tết Nguyên đán, cá mòi từ các vùng nước lợ, ngược dòng lên đây đẻ trứng. Mỗi chiều, dưới đoạn sông này, hàng chục chiếc ghe ngược xuôi thả lưới “săn” cá mòi, điểm xuyết cho dòng sông những nét chấm phá như một bức tranh thuỷ mặc.
Một lão ngư cho biết: “Cá mòi có một bản năng rất đặc biệt. Chúng được sinh ra ở sông nhưng lại bơi ra biển để sống, chỉ đến mùa Xuân- mùa sinh sản- chúng mới chịu quay về. Như một quy luật sinh tồn, cá mẹ phải vượt dòng nước chảy và về đúng nơi mình sinh ra trước kia để đẻ trứng. Có những năm, cá mòi ức nước, lên đây đẻ trứng, có lúc “cao hứng”, từng đàn cá chao lượn và phóng mình lên mặt nước trắng lấp lánh, tung bọt nước trắng xoá và thoang thoảng “hương” cá mòi theo hơi nước bay lên, đứng trên cầu, vừa thấy, vừa nghe, vừa thưởng thức mùi hương cá mòi độc đáo này…”.
Lão ngư Lê Năm gỡ cá mòi mắc trong lưới. |
Lão ngư Lê Năm vừa gỡ cá mòi mắc lưới vừa cho hay, năm nay, do thời tiết lạnh nên cá ở vùng nước lợ lên đoạn sông này tìm nơi đẻ trứng rất ít. Trung bình mỗi ngày, chúng tôi thả lưới bắt khoảng 5-10 kg. Những năm trước, một số người dùng “xung điện” để bắt cá mòi nên sản lượng cá mòi giảm dần. Nhờ sự tuyên truyền, vận động, giáo dục, xử lí của các cấp chính quyền về việc tận diệt cá mòi bằng chất nổ, xung điện, nên năm nay chúng tôi có cá mòi để đánh lưới bắt, dẫu ít cá nhưng có còn hơn không.
Với cư dân ven bờ sông Yên, những ngày đầu Xuân cũng là những ngày bắt đầu vụ cá mòi, lúc này được cho là thời điểm cá ngon nhất và bán được giá nhất. Không chỉ vì đầu mùa, số lượng ít mà còn vì thời điểm này cá vừa vùng nước lợ lên đây để sinh sản nên buồng trứng rất ngon, thịt cá lại rất béo, thơm ngon. Hơn nữa, việc đánh bắt cá mòi không chỉ là kế sinh nhai mà còn là thú vui của nhiều người dân. Con cháu ở xa mỗi lần về quê ăn Tết, họ chỉ cần bơi ghe, giăng lưới vài vòng là đã có đặc sản quê hương – cá mòi nướng giòn – để thưởng thức rồi.
Với hương vị cá mòi rất riêng lạ và đặc biệt này, du khách có thể mua một ít cá mòi về nướng chấm muối tiêu, chanh hoặc chiên giòn chấm nước mắm gừng, ăn với cơm cũng ngon. Nhưng ngon nhất là cặp trứng trắng ngà, vừa nóng, thơm, bùi và beo béo, bạn đã ăn một lần, thế nào bạn cũng tìm gắp thêm một lần trứng nữa… và cái hương vị của nó, có lẽ suốt đời khó quên!.
Những năm gần đây, đập Ba ra An Trạch không còn nhộn nhịp “trên bến dưới thuyền” như trước nữa, do một phần thời tiết rét lạnh, phần còn lại do trước đây nhiều ngư dân vùng thấp đi thuyền máy lên đây khai thác theo kiểu đóng đáy, sử dụng lưới cào và một số người vẫn “lén lút” kích điện nên lượng cá mòi ngược dòng lên đây mỗi năm thêm sụt giảm, khiến nguồn lợi thủy sản dồi dào trước kia cũng giảm dần, nhiều người phải bỏ nghề và huyền thoại về sông Yên “đầy ắp” cá mòi trước đây giờ chỉ còn trong kí ức, làm bao người chạnh lòng tiếc nuối.