Các nhà khoa học Mỹ đã làm một cuộc thí nghiệm: Cho 100 con khỉ ăn thật no, 100 con khỉ khác chỉ cho ăn 7 – 8 phần no, kết quả sau 10 năm, nhóm khỉ được ăn no mập lên, gan nhiễm mỡ nhiều, cao huyết áp nhiều, chết 50%; Nhóm khỉ ăn 7 – 8 phần no, cơ thể không mập, khỏe mạnh, thần kinh khỏe và chết chỉ có 12%, sống lâu hơn so với nhóm khỉ ăn no.
Trong những ngày Tết, nhà nào cũng tiệc tùng, khi ngồi vào bàn tiệc thấy toàn đồ chiên, xào đầy dầu mỡ, muốn có đĩa rau luột thì lấy đâu ra. Vậy là cái dạ dày phải đành chịu trận. Việc ăn quá no mà lại nhiều chật đạm chỉ thêm hại dạ dày, hệ tiêu hóa phải làm việc quá tải nên rất dễ gây ra rối loạn đường ruột. Do đó mà tỷ lệ người mắc bệnh về dạ dày, béo phì, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, huyết áp cao, cả ung thư tăng nhiều như hiện nay. Ăn vội ăn nhanh cũng không tốt mà phải nhai thật kĩ để hệ tiêu hóa làm việc dễ dàng, hạn chế được nhiều bệnh để sống thọ hơn. Nói chung các chuyên gia về dinh dưỡng khuyên ta nên: ăn uống hợp lý, vận động vừa phải, bỏ thuốc, hạn chế rượu bia, tâm lý cân bằng là cách tốt nhật để bảo vệ sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.
Nói về uống tức là nói đến rượu bia, không thể thiếu mỗi khi có tiệc tùng như liên hoan, ngày Tết, tân gia, cưới hỏi hoặc sinh nhật…Bởi vậy nên uống sao cho đúng cách để bảo vệ sức khỏe cũng không ít người thực hiện được, vì thói quen rất phản khoa học: đã uống là uống cho “tới bến” đến “quắc cần câu” mới chịu. Nguy hiểm nhất với những người để bụng đói đi dự tiệc, bởi khi bụng rỗng thì chất ethanol của rượu sẽ tiếp cận với niêm mạc dạ dày, dễ dàng gây viêm loét. Nếu ta đã ăn lót dạ, uống một ly sữa tươi, 2 muỗng canh dầu olive hay dầu dừa đều tốt cho dạ dày, hạn chế tác động xấu từ rượu. Nhất thiết nên tránh sự kích động theo kiểu “dzô, dzô” 50%, 100%; cần tỏ ra từ tốn, uống từng ngụm nhỏ và chậm rãi, vì nếu uống liền một hơi cho cạn ly, rượu sẽ ngấm vào các mạch máu trong vài phút, sau đó chất ethanol sẽ chạy hết vào lục phủ ngũ tạng. Uống chậm cũng là cách giúp cho cơ thể tự điều chỉnh, những độc chất có trong rượu sẽ xâm nhập từ từ, giúp cho lá gan có thời gian thải độc, nên uống kèm với nước lọc để pha loãng độ cốn. Cần tránh uống rượu với nước có ga, không uống chung với nhiều loại rượu; khi uống cũng nên tranh thủ chọn vài miếng rau (nếu có), hoặc món nào đó hợp với khẩu vị để trung hòa với rượu, tránh uống khan, tốt nhất là có ly trà xanh để hạn chế say, Các cụ ta ngày xưa thường mời nhau “nhấm rượu” chứ không ép nhau uống rượu là như vậy.
Có một điều mà ai cũng biết đó là không nên thức khuya, nhất là sau 22 giờ, vì nếu có thói quen thức khuya thì tất nhiên phải thức dậy muộn có khi đến 6 hoặc 7 giờ sáng, như thế thì rất có hại cho sức khỏe. Theo chia sẻ của GS-TS-BS Trần Đông A, cố vấn chuyên môn cho Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP Hồ Chí Minh), ta nên ngủ sớm từ khoảng 21-22 giờ (tuyệt đối không để sau 23 giờ, trừ trường hợp đặc biệt) để đến tầm 3-4 giờ sáng ta thức dậy, tập thể dục như đi bộ hoặc chạy bộ tủy sức, lúc này trong người sẽ thấy sảng khóai. Thường các bộ phận trong cơ thể, các tế bào đều có khuynh hướng chết đi và tái tạo, ngoại trừ tế bào não, sự tái tạo này thường xãy ra vào ban đêm. Các tế bào tái tạo tốt nhất khi ngủ trước 12 giờ đêm, cho nên mỗi giờ ngủ trước 12 giờ đêm bằng 2 giờ ngủ sau 12 giờ đêm. Một tế bào rất quan trọng trong cơ thể là hồng cầu, vì hồng cầu mang ô xy. Hồng cầu được tái tạo trước 12 giờ đêm thì đời sống của nó sẽ dài hơn, có thể đến 120 ngày, trong khi bình thường chỉ có 90 ngày. Điều đó đã lý giải vì sao những người ngủ đủ giờ mà thức khuya (ví dụ 2 giờ sáng đi ngủ đến 10 giờ sáng mới dậy) thường xanh xao do những hồng cầu bị chết sớm.
Theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty sách Thái Hà chia sẻ, ông không bao giờ ngủ sau 23 giờ mà thường phải ngủ trước 21 giờ hoặc muộn lắm cũng trước 22 giờ, để đến 3 giờ sáng là thức dậy. Ông quan niệm: “Một ngày cốt ở giờ dần mà ra (giờ dần là từ 3 giờ đến 5 giờ sáng). Theo y học Phương Đông thì đồng hồ sinh học và các bộ phận trong cơ thể của con người luôn luôn theo giờ của vòng quay thời gian 24 giờ, chia ra theo 12 con giáp, ví dụ: từ 23 giờ đến 1 giờ sáng là giờ Tý, giờ của Mật (còn gọi là Đởm); từ 1 giờ đến 3 giờ sáng là giờ Sửu, giờ của Gan (gọi là Can); từ 3 giờ đến 5 giờ là giờ Dần, giờ của Phổi (gọi là Phế), vào giờ này phổi cần hít thở không khí trong lành; từ 5 giờ đến 7 giờ sáng là giờ Mão, là giờ của Ruột già (gọi là Đại tràng), thời gian này mà không lo xả chất thải trong người ra thì tệ hại cho cơ thể biết dường nào; từ 7 giờ đến 9 giờ sáng là giờ Thìn, giờ của Dạ dày (gọi là Vị), giờ này mà để bụng trống chưa ăn sáng thì bụng chúng ta sẽ bị cồn cào khó chịu; từ 9 giờ đến 11 giờ là giờ Tỵ, giờ của Lá lách (gọi là Tỳ); 11 đến 13 giờ trưa là giờ Ngọ, giờ của Tim (gọi là Tâm); 13 giờ đến 15 giờ là giờ Mùi, giờ của Ruột non (gọi là Tiểu tràng); 15 giờ đến 17 giờ chiều là giờ Thân, giờ của Bọng đái (Bàng quang); từ 17 giờ đến 19 giờ tối là giờ Dậu (gà vào chuồng), giờ của Thận; 19 giờ đến 21 giờ tối là giờ Tuất, giờ của Bao tim (gọi là Bào); 21 giờ đến 23 giờ là giờ Hợi, giờ của Tam tiêu. Tam tiêu là 3 khoang rỗng trong cơ thể con người gồm: Thượng tiêu là khoang rỗng từ miệng xuống tâm vị dạ dày chứa tim và phổi; Trung tiêu là khoang rỗng ở giũa từ tâm vị dạ dày đến môn vị dạ dày đi tới hậu môn, chứa gan và thận. Ai làm việc quần quật từ 21 giờ đến 23 giờ là sát hại tam tiêu; Tam tiêu còn có chức năng bảo vệ lục phủ, ngũ tạng trong cơ thể của ta, do đó ta tuyệt đối phải nghỉ ngơi. Nên nhớ rằng gan và mật hỗ trợ lẫn nhau, gắn kết chặt chẽ như một, 23 giờ đêm là lúc kinh mạch của túi mật được mở ra, nếu ai chưa ngủ thì làm tổn hại đến đảm khí (đảm khí hỗ trợ trung khu thần kinh) nên có nguy cơ cao mắc các bệnh về thần kinh. Nếu thức khuya vào giờ Sửu (từ 1 giờ đến 3 giờ sáng) rất có nguy cơ mắc bệnh viêm gan.
Rõ ràng, trong y học cũng như các bác sỹ đã khuyến cáo chúng ta, nếu sau 23 giờ mà không đi ngủ sẽ làm can huyết bất túc, dẫn đến tình trạng tim không cung cấp đủ máu, khi đó tim sẽ đập mạnh, loạn nhịp, run sợ có thể dẫn đến cao huyết áp, xuất huyết não và nhiều bệnh nguy hiểm khác. Ngủ đúng giờ còn quan trọng hơn ngủ đủ giờ, dù có ngủ từ 8 giờ sáng đến 20 giờ tối cũng thua ngủ sâu vài giờ lúc cần tức là quãng thời gian cho gan và mật. Nếu thực hiện tốt việc ngủ đúng giờ (bắt đầu từ khoảng 21 giờ) và thức dậy khoảng 3-4 giờ sáng để tập thể dục, hít thở không khí trong lành, chắc chắn sẽ khỏe mạnh, ít bệnh tật, tuổi thọ được tăng thêm.
Ngày Tết cũng là dịp để nghỉ ngơi sau những tháng ngày lao động vất vả, mệt nhọc, vì vậy ta hãy nên nghe theo những khuyến cáo của các bác sỹ, áp dụng từ việc ăn uống đến ngủ nghỉ sao cho hợp lý, không vì vui quá đà như uống say xỉn, hay thức thâu đêm suốt sáng để bài bạc, không khác gì ta tự hủy hoại sức khỏe của chính bản thân mình…
ĐUỔI CHUỘT- RƯỚC TRÂU
Canh Tý cũng sắp lùi xa
Đón xuân Tân Sửu khắp nhà mừng vui
Cờ hoa giăng khắp mọi nơi
Nông thôn, thành thị đổi đời hẳn lên
Đào mai chớm nở bên thềm
Đèn hoa rực sáng hằng đêm khắp phường
Tất niên, tổng kết tiệc tùng
Quên đi vất vả vui cùng anh em
Rượu bia đầy đủ cũng nên
Không uống say xỉn, dưới trên thực hành
Bạc bài cần phải dẹp nhanh
Tệ nạn xã hội phải cần triệt ngay
Nông thôn, thành thị chung tay
Dựng xây đất nước càng ngày phồn vinh
Năm Châu nhìn nước Việt mình
Kết tình hữu nghị, văn minh rạng ngời
Giao thông trật tự khắp nơi
An toàn tuyệt đối, mọi người thực thi
Vui Xuân giảm bớt lì xì
Đến thời 4 chấm, quên đi việc này…
Phạm Văn Phê
ĐÓN XUÂN, NHỚ TẾT XƯA
Ngày xưa ai cũng đều nghèo
Trông cho Tết đến mổ heo chia phần
Trẻ con thích có áo quần
Đòi mẹ mua mới để còn diện khoe
Pháo dây, pháo chuột, pháo tre
Đì đùng khắp xóm, nổ nghe cũng nghiền
Người lớn xúm lại chơi tiên
Cách tê, tứ sắc ai nghiền nhào dô
Lại còn chơi xóc lô tô
Mua vui là chính, không trò đỏ đen
Bây giờ cờ bạc thua ăn
Nhậu xỉn đến nỗi té lăng ngoài đường
Ai nhìn cũng thấy xót thương
Mấy ông bợm nhậu, tránh gương xấu này
Vui Xuân đừng để xỉn say
Để cho xã hội càng ngày văn minh…
Phạm Trung Dân