Chẳng ngoa chút nào khi nói tuồng chính là lẽ sống của đời ông bởi ông ăn, ngủ cùng môn nghệ thuật này. Ông khoe vẫn còn những tài sản vô giá đối với nghệ thuật tuồng là trống cái, trống chiến cùng nhiều kịch bản tuồng để sẵn sàng hát, diễn với các bạn yêu nghệ thuật tuồng…
Trong căn nhà đã xây từ lâu nhưng vẫn chưa được sơn phết, ông Trung kể về quá trình đam mê tuồng của mình. Ông cho biết, bố ông là người biết các tích tuồng cổ, chủ yếu là tuồng Bắc như “Chinh Đông”, “Chinh Tây”, “Sơn Hậu”, “Tam Quốc”… Từ năm 11, 12 tuổi, được nghe hát, múa, trống tuồng, ông đã yêu thích nghệ thuật hát tuồng và được bố mình dạy đánh trống, hát tuồng, xây dựng kịch bản… Năm 16 tuổi, ông Trung bắt đầu được tập huấn hai tháng rưỡi về nghệ thuật tuồng ở Dương Cốc, huyện Quốc Oai do Ty Văn hóa Hà Tây tổ chức. Sẵn có niềm cảm hứng từ cha mình, từ đó ông càng đam mê và luôn mong muốn nghệ thuật này được gìn giữ và phát triển.
Ông Trung đánh trống tuồng |
Ông kể, hát Tuồng đòi hỏi người diễn viên thực sự phải có sức khỏe tốt, bởi hát Tuồng nặng hơi, bộ điệu cũng khác so với các môn nghệ thuật khác. Hát tuồng đi đôi với các điệu múa bằng các thế võ, nên mất rất nhiều sức. Tuồng cũng có nhiều làn điệu như hát khách, hát nam ai, nam xuân, hát sướng, hát thán… Không chỉ về cách hát, mà tuồng có đặc trưng là đánh trống tuồng, bản thân ông Trung là một người đánh trống tuồng rất thành thạo. Mỗi khi vào hát mà không có tiếng trống thì người hát sẽ không hát được, tiếng trống như dẫn dắt người hát, hát theo và diễn theo tiếng trống mới hay được… Điều mà ông Trung thấy khó nhất, có lẽ là lối diễn tuồng. Bởi lối diễn thường được khuếch đại hơn sự thật ngoài đời để khán giả dễ cảm nhận. Các động tác càng nhỏ càng nhanh, khi lên sân khấu càng cần tăng cường điệu thì khán giả mới kịp nhận thấy. Kiểu cách đi đứng còn dùng để biểu lộ cái “tâm” của nhân vật thiện, ác. Diễn tuồng khó nhất là ở ý tứ, ngôn ngữ cơ thể và hành động phải ăn khớp, phù hợp, như vậy khán giả mới không thấy sự vô duyên, nhàm chán của diễn viên trên sân khấu. Các tích tuồng đều xoay quanh đề tài, nhân vật trong lịch sử Việt Nam, Trung Quốc, trong đó chiếm được cảm tình của người xem nhất vẫn là các đề tài “phò vua diệt nguỵ”; “trung thành – phản nghịch”… Những lần diễn các trích đoạn tuồng như “Ngọn lửa Hồng Sơn”, “An Tư công chúa” “Đào Xuân cắt thịt” để phục vụ các hội diễn do các cấp phát động, lễ hội ở thôn, dịp tết Trung thu, ông Trung lại tập hợp những người yêu tuồng trong thôn tổ chức tập luyện hằng tháng. Cứ như vậy, ròng rã chỉ dẫn từng động tác, từng điệu hát, cách diễn, ông Trung cho biết, mỗi trích đoạn dù chỉ khoảng 30 đến 35 phút cũng phải mất cả tháng tập luyện thì mới có thể lên sân khấu diễn bà con xem được.
Hơn 55 năm gắn bó với nghề, ông vẫn giữ lửa đam mê, truyền dạy hát và diễn tuồng cho khoảng 150 người yêu tuồng ở thôn Đồng Bảng và rất nhiều nơi khác. Ông đã hoàn thành việc gây dựng được khoảng 10 trích đoạn tuồng. Đó là các vở như “Trưng Vương”, “Tình cá nước”, “Trần Bình Trọng”, “Quốc Toản ra quân”, “Ngọn lửa Hùng Sơn”… Năm 2014, câu lạc bộ đã đoạt giải A1 trong Liên hoan sân khấu tuồng chào mừng kỉ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Cũng bao năm qua, khi tuồng Đồng Thái tham gia các hội diễn luôn đoạt giải cao từ cấp huyện, cấp thành phố và Trung ương.
Vài năm trở lại đây, được sự quan tâm của xã Đồng Thái, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao Ba Vì đầu tư khôi phục nghệ thuật tuồng, ông Trung lại tập hợp 30 người còn yêu thích nghệ thuật tuồng trong thôn Đồng Bảng cùng nhau luyện tập, diễn những vở do ông xây dựng kịch bản. Mặc dù nghệ thuật tuồng đã bị mai một nhiều, nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân đa dạng hơn, nhưng ông vẫn cùng những người yêu tuồng cổ giữ gìn nghệ thuật truyền thống này. Mỗi khi xã có yêu cầu diễn các vở tuồng trong các đêm giao lưu văn nghệ quần chúng, dù không có kinh phí hỗ trợ ông vẫn cùng đội tuồng ở thôn tổ chức tập và biểu diễn. Do không có kinh phí nên thiếu trang phục diễn, ông lại liên hệ với Nhà hát tuồng Việt Nam đề nghị hỗ trợ trang phục để các vở diễn đạt hiệu quả cao nhất.
Sau bao năm cống hiến, năm 1999, ông Trung được Bộ Văn hóa và Thông tin tặng Huy chương vì đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp văn hóa Quần chúng. Đây là sự ghi nhận của các cấp đối với ông trong sự nghiệp phát triển chung của văn hóa quần chúng. Những năm gần đây, nhiều người con đi xa khi về quê mỗi dịp tết, lễ, được sống trong nghệ thuật tuồng đã ủng hộ vào quỹ câu lạc bộ, góp động lực cho những thành viên câu lạc bộ sống với đam mê của mình. Nhưng, điều mà ông và các thành viên câu lạc bộ tuồng ở Đồng Bảng trăn trở là kinh phí để duy trì CLB bởi hiện nay, CLB sống được chủ yếu bằng lòng nhiệt huyết của các thành viên.
Có thể nói, hơn nửa thế kỉ sống với tuồng, ông Trung đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của tuồng Đồng Bảng, góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc ở Thủ đô Hà Nội…