Mường Lát là huyện núi cao của tỉnh Thanh Hóa, giáp với nước bạn Lào, cách TP Thanh Hóa khoảng 250 km về phía Tây. Mường Lát hiện lên trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng: “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/Mường Lát hoa về trong đêm hơi/Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/Heo hút cồn mây súng ngửi trời…”; cho ta thấy quang cảnh thiên nhiên hùng vĩ và đầy thơ mộng như bức tranh hữu tình giữa con người và thiên nhiên.
Nét duyên dáng trong sắc màu truyền thống của người Mông |
Hiện ở huyện Mường Lát có 6 dân tộc anh em sinh sống (dân tộc Mông, Dao, Thái, Mường, Khơ Mú và Kinh). Toàn huyện có hơn 40.000 nhân khẩu /8.523 hộ, trong đó dân tộc Mông 3.196 hộ, với 16.782 khẩu. Đồng bào Mông sinh sống tại 38 bản thuộc các xã Quang Chiểu, Tam Chung, Pù Nhi, Nhi Sơn, Trung Lý và Mường Lý. Xã có số người Mông sinh sống đông nhất là Trung Lý; bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống đông nhất Pù Ngùa, xã Pù Nhi, với 223 hộ.
Vào Tết cổ truyền cũng như ngày Quốc khánh (2/9) hay các lễ, hội, đồng bào dân tộc Mông thường tổ chức trò chơi ném còn, đánh cù, đẩy gậy, thi bắn nỏ, bóng chuyền,… Một tập tục văn hóa không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của người Mông là giấy bản. Vào dịp Tết hay các ngày lễ trọng, đồng bào Mông nhà nào cũng phải chuẩn bị đầy đủ giấy bản. Theo quan niệm của người Mông, giấy bản là tiền gửi cho người đã khuất…
Người Mông chuẩn bị Tết từ ngày 30, dọn dẹp nhà cửa, giã bánh dày, thịt gà, thịt lợn cúng tổ tiên. Đặc biệt trong 3 ngày Tết chính (mùng 1, mùng 2 và mùng 3), người Mông chỉ ăn các món bánh và thịt, tuyệt đối không ăn rau. Vì theo quan niệm, không ăn rau để tránh trong năm mới đi làm nương, làm rẫy cỏ mọc nhiều, mùa màng thất thu, chăn nuôi trâu bò không được thuận. Ẩm thực trong ngày Tết của người Mông chủ yếu là bánh dày, thịt gà, thịt lợn. Trong 3 ngày Tết chính, gia đình nào cũng đốt củi, giữ bếp đỏ lửa liên tục, vừa giữ ấm, vừa xua đuổi tà ma và cầu mong bình an, may mắn. Các đồ vật trong nhà cũng được “mặc áo mới” để đón Tết. “Áo mới” của các đồ vật là giấy bản được làm từ cây giang. Bình thường, loại giấy này được sử dụng trong đám cúng, đám ma hoặc sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên vào năm mới, giấy được cắt hình con chim, con phượng dán lên các đồ vật và các vị trí trong nhà để xua đuổi tà ma và cầu mong sự may mắn, tốt lành.
Các cô gái Mông náo nức tham gia nhiều trò chơi dân gian |
Bên cạnh đó bàn thờ chính của người Mông được đặt ở gian chính giữa của nhà, ngoài ra còn hai bàn thờ phụ đặt ở hai bên cửa chính. Bên cạnh bàn thờ chính được bày biện các công cụ lao động như cuốc, thuổng, dao, rựa,… đã được mặc áo mới. Mâm cỗ cúng của người Mông thường bày một chiếc bánh dày to. Bánh dày được làm bằng gạo nếp nương, sau khi đồ chín, xôi vẫn còn nóng được đưa vào máng gỗ rồi dùng chày giã nhuyễn, sau đó lấy lòng đỏ trứng gà quết lên bề mặt. Theo quan niệm của người Mông, bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, đây cũng là món ăn chính trong những ngày Tết của người Mông.
Bà Trương Thị Huyên, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Lát chia sẻ, nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thông qua các chương trình, chính sách, dự án mà vùng miền núi dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng, kinh tế – xã hội trong huyện ngày càng phát triển có nhiều đổi thay. Bà con người Mông tích cực trồng ngô, trồng chè, nuôi lợn, gà, trâu bò, phát triển sản xuất, đời sống ngày càng ấm no, sung túc.
Trong những ngày Tết, bên cạnh nghi lễ tín ngưỡng, các chàng trai, cô gái Mông còn náo nức tham gia nhiều trò chơi dân gian quen thuộc như chơi Tulu, ném pao, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, múa khèn… Tiếng cười nói rộn ràng khắp cả bản. Không khí lễ hội náo nức khắp núi rừng, bà con người Mông xúng xính quần áo đẹp đi dự hội Xuân. Các cô gái e lệ trong bộ váy rực rỡ sắc màu, vòng bạc, lúng liếng xuống hội. Các chàng trai mang theo kèn, trổ tài để chinh phục “người trong mộng”. Ý thức tự giác và tự hào dân tộc được khơi dậy, bản sắc văn hóa được giữ gìn và phát huy, cuộc sống ấm no, theo kịp các dân tộc anh em khác.
Tới huyện biên giới vùng cao Mường Lát vào dịp Tết, bạn sẽ thấy cuộc sống của bà con, cảm nhận được sự nồng hậu, chân chất của đồng bào Mông, để thêm hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa của dân tộc Mông đang được bảo tồn và phát huy, góp phần giữ vững an ninh biên cương Tổ quốc.