Nhiều địa phương chọn ngày tảo mộ vào tiết Thanh minh (tháng 3 âm lịch), như cụ Nguyễn Du viết trong truyện Kiều: “Thanh minh trong tiết tháng ba /Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”. Thế nhưng ở không ít địa phương lễ tảo mộ lại được tổ chức vào tháng Chạp (trước Tết Nguyên đán), để cho con cháu ở quê cũng như đi làm ăn xa về quê ăn tết, thì đi tảo mộ đón Tết, mời các cụ tiên tổ về ăn tết với cháu con.
Tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên, ông bà cho được sạch sẽ, khang trang, như chúng ta thường sửa sang nhà cửa để nghênh xuân… Ngày trước, mọi người mang theo xẻng, cuốc để rẫy hết cỏ dại, đắp lại nấm mồ cho đầy đặn để tránh các loài rắn, chuột đào hang, làm tổ. Bây giờ hầu hết là mộ xây nên thường chỉ quét dọn và nhổ cỏ. Sau đó, người ta thắp hương, đốt vàng mã, đặt thêm bó hoa lên mộ. Một trong những làng quê tổ chức tảo mộ vào tháng Chạp cuối năm cũ để đón năm mới tết về, xuân đến, là làng Minh Lệ, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Nhà thơ Hoàng Gia Cương năm nay đã 80 tuổi, vừa về quê tảo mộ Tổ tiên trở về Hà Nội. Ông kể với tôi không khí ngày tả mộ đông vui ở quê ông.
Mộ Thành hoàng làng Minh Lệ |
…”Ngày tảo mộ, khu nghĩa địa trở nên đông đúc và nhộn nhịp khác thường. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình, lễ tảo mộ trước tết trở thành những ngày đặc biệt ngày hội lớn của làng tôi. Quê tôi nói chung và ở làng tôi – làng Minh Lệ nói riêng, tảo mộ tiếng địa phương gọi là xủi mả, hàng năm được tổ chức vào đầu tháng Chạp âm lịch để các bậc tiền nhân chuẩn bị nghênh xuân. Từ xa xưa đã có câu: “Mồng một thì xủi mả làng, mồng hai mả họ, mồng ba xủi mả bọ mình!” (tiếng Quảng Bình gọi cha mẹ là bọ mạ). Thời xưa các cụ tảo mộ vẫn làm theo lịch này. Ngày mồng một tháng Chạp là tảo mộ vị Thành hoàng làng, ngày mồng hai tảo mộ các vj Thần Tổ của bốn dòng họ chính trong làng, từ mồng ba dành cho các chi họ và các gia đình, thường làm xong trước ngày cúng ông Công ông Táo về trời. Ngày nay vì nhiều con cháu bận công tác và làm ăn xa nên có sự linh động hơn. Ngày mồng một mọi người đều tham gia tảo mộ vị Thành hoàng làng là Đức Thành Lồi Thượng tướng quân Trương Hy Trọng (1404-1493). Tiếp đến là tảo mộ các vị Thần Tổ bốn dòng họ chính Trương, Nguyễn, Hoàng, Trần vốn là các vị tướng bên cạnh Đức Thành hoàng, những người có công đánh dẹp giặc Lồi (Chiêm Thành), được vua cấp đất khai phá lập ấp từ xa xưa (thế kỷ 15). Sau khi xong các việc này thì tất cả kéo về tập trung tại đình làng (một di tích lịch sử, xây dựng từ năm 1464) để làm lễ cúng giỗ. Mọi năm hàng trăm người từ mọi miền đất nước và cả những người ly hương từ nhiều nước trên khắp thế giới về đây tụ họp. Thành thông lệ, ai cũng coi ngày này là ngày quan trọng nhất trong năm nên luôn cố tìm mọi cách để được về đoàn tụ. Ngày tảo mộ đã trở thành ngày hội trọng đại nhất trong năm của làng. Ngày tết Nguyên đán tuy gọi là ngày sum họp nhưng người về ít hơn hẳn. Năm nay do ảnh hưởng của dịch cúm Covid nên người về tuy có ít hơn mọi năm nhưng cũng tới trên trăm. Bản thân tôi tuy chân đi khấp khiểng nhưng cũng đã cố về để viếng mộ tổ tiên ông bà cha mẹ và để có dịp gặp gỡ bà con họ hàng và bè bạn.
Sau phần tế lễ, Ban tổ chức trịnh trọng giới thiệu những người có mặt gồm các bậc cao niên, những người có công với cách mạng, với địa phương, các vị chức sắc, các nhà khoa học, nhà văn hóa … Đặc biệt lần này làng chúc mừng một cụ là người đầu tiên của làng lên tuổi bách niên. Ông cụ này cũng là người đầu tiên của địa phương tham gia hoạt động cách mạng từ trước năm 1945 rồi trở thành một cán bộ cao cấp, nay nghỉ hưu nơi xa và vì sức yếu nên không về được. Lần lượt mọi người vào thắp hương khấn niệm. Đứng trước bàn thờ khói hương nghi ngút, tôi chợt nhớ lại một kỷ niệm xa xưa thời niên thiếu ở làng và những lần về quê tảo mộ. Lần về quê xủi mả năm nay, sau buổi tập trung ở đình làng, mọi người tản mát về theo từng nhánh, đi xủi mả các ngôi mộ thuộc chi họ mình, gia đình mình. Nghĩa trang chi họ tôi từ sau thời kỳ theo “phong trào Quỳnh Lưu” dành đất cho nông nghiệp vào thập kỷ 80 thế kỷ trước đã chuyển qua bải đất bên kia sông, nên chúng tôi phải thuê đò. Con sông Nan (một nhánh của sông Gianh, cũng chính là ranh giới chia cắt hai miền thời Trịnh-Nguyễn phân tranh) nước xanh ngăn ngắt chảy giữa hai rặng bần xanh biếc. Tôi vốc một ngụm nước nếm lại cái vị mằn mặn quen thuộc thuở ấu thơ, nơi tôi thường bơi lội và mò cua bắt cá. Khu mộ chi họ Hoàng gốc Mạc của chúng tôi đây rồi, vẫn đơn sơ, bé nhỏ như từ hồi mới chuyển qua, chưa có điều kiện xây dựng lại. Cụ Tổ của chúng tôi vốn là một Hoàng tử triều Mạc (tôi là hậu duệ đời thứ 9 của cụ) đã chạy vào đây định cư để tránh nhà Lê-Trịnh truy bức. Chúng tôi cùng nhau dọn dẹp, cùng nhau thắp hương và khấn nguyện trước các bậc Tiên Tổ thân thương. Tôi nghe như trong đầu có tiếng rì rầm rất lạ, phải chăng là Tiên Tổ nhắn lời? Những khu mộ bên cạnh cũng đang tấp nập người ra kẻ vào xủi mả. Chúng tôi trở lại bên làng và tiếp tục xủi mả ở khu lăng mộ ông bà, cha mẹ và anh cả tôi…
Khu mộ của gia tộc họ Hoàng ở làng Minh Lệ |
Buổi xủi mả đã xong, mọi người trở về từ đường, về trước bàn thờ gia tiên làm lễ cúng giỗ và cùng thụ lộc như một cuộc liên hoan nối kết nghĩa tình thân thuộc. Vì trong làng mọi người thường có quan hệ họ hàng đan chéo nên mỗi người thường tham gia nhiều nhóm xủi mả và dự nhiều cuộc cúng giỗ khác nhau trong ngày vì vậy ai cũng no nê, cũng ngà ngà men bia rượu. Vui, thật vui. Đúng là ngày lễ hội tưng bừng!”
Nhà thơ Hoàng Gia Cương nói rằng, ông là con trai út trong gia đình, Tết này cũng đã ở tuổi bát niên, nhưng còn sức khỏe thì vẫn mong năm nào cũng được về quê tảo mộ tổ tiên. Anh em gia đình, họ hàng gặp nhau cuối năm nay, hẹn năm sau lại cùng về tảo mộ.