Bà cười hiền hậu: – Thế ba bố con không biết hôm nay là ngày Tết Hàn thực à? – Hoan hô bà! – Mấy bố con ăn đi. Lát nữa đến lượt ông, bà và mẹ Hiệp, Khuê và Mi. Khuê láu cháu: Bà ơi, thế bà làm lấy hả bà? – Ừ, bà mua bột về. Còn đường thì bố cháu hồi đi Quảng Ngãi các bạn cho hãy còn. Làm hai loại bánh này dễ thôi mà.
Ấy là ngày mùng Ba tháng Ba, Tết bánh trôi bánh chay. Còn sáng nay vừa từ trên giường bước xuống, bố đã chun mũi hít hít: Mùi gì mà thơm thơm, cay cay và say say thế nhỉ? Thì ra từ mấy hôm nay bà đi chợ về mua một cân gạo nếp cẩm chỉ giã chứ không say, nấu chín lên, tãi ra, để nguội rồi rắc men lên, ủ vào rá lót lá chuối hơ lửa, giấu kín trong buồng bếp. Và bây giờ là rượu nếp cẩm đang tỏa hương:
– Nào, cả nhà. Hôm nay là ngày Tết Đoan Ngọ. Rượu nếp đây. Mận đây. Mỗi người ăn một bát con rượu nếp và một quả mận trước khi mặt trời mọc. Để giết sâu bọ. Để cho nó sạch ruột theo như ông bà ta dạy.
Nghe bà nói, bố rưng rưng:
Chết thôi. Con và mẹ mấy đứa bận bù đầu. Chẳng còn biết đến thời gian nữa! Không có bà làm sao có được cái Tết này. Làm sao lũ trẻ biết được bao nhiêu điều tốt đẹp của dân tộc, đất nước!
Nghe bố nói vậy, bà cười nhóm nhém:
– Bà già rồi, bà chỉ biết có vậy thôi!
Minh họa Trần Nhương |
Thế đấy! Tháng Ba trời đang oi nồng bỗng nhiên trở lạnh. Nhờ có bà nên mới biết: Nàng Bân may áo cho chồng. May ba tháng dòng, mới được cửa tay. Vì vậy Trời thương nên đổ lạnh để nàng có cớ đem áo cho chồng mặc. Có bà ngày Rằm mùng Một, trên bàn thờ có đĩa xôi gấc đỏ tươi và hương nhang thơm bay tỏa khắp nhà. Bà là sợi dây nối với các phong tục lễ hội cổ truyền. Bà thắp hương đều đặn trên bàn thờ tổ tiên. Sáng thứ Bảy, bố mẹ hai đứa trẻ còn ngủ, bà đã cầm chổi quét ngõ cùng bà con dân phố. Bằng chứng nhận Gia đình văn hóa có được là nhờ bà.Có bà, có Tết mùng Ba tháng Ba, Tết mồng Năm tháng Năm. Có bà, mùa sấu chín, nhà có lọ sấu muối để dành nấu canh sấu dầm quanh năm. Tháng Tám ta trên sân thượng, trong nắng hanh vàng rười rượi, củ cải bà mua về xắt ra, đang héo dần phơi, muối để dành Tết ăn.
Gia đình bé Mi là gia đình gương mẫu. Năm nào cũng được phường, quận biểu dương. Điều đó thể hiện trước hết là ở phòng khách. Phòng khách rộng chừng chín mét vuông. Ba bề là tường, tường nào cũng chi chít giấy khen bằng khen. Bằng khen sáng loáng ô kính. Giấy khen xanh đỏ tím vàng đủ màu. Có cái đã bạc màu thời gian. Có cái ép nhựa, giấy trắng bóng.
Kỉ lục bằng khen giấy khen là bố. Bố có Huân chương Kháng chiến chống Mỹ. Bố là kĩ sư cơ khí. Đã nhiều năm là chiến sĩ thi đua ngành công nghiệp, nhiều năm là kiện tướng sáng kiến. Có cả bằng khen của Chính phủ Lào vì có hồi bố sang đó làm chuyên gia. Mẹ cũng chẳng kém, vì mẹ có đến chục cái bằng khen. Mẹ là cô giáo dậy giỏi, là phụ nữ gương mẫu. Lại có lần đoạt giải nữ công gia chánh và giải Nhất môn cầu lông. Con cháu trong nhà thì kể từ anh Hiệp lớp 10, em Khuê lớp 7 cũng có 7, 8 cái bằng khen giấy khen. Học sinh giỏi. Kiện tướng cờ vua. Giải nhất kì thi Toán toàn quận. Bé nhất nhà là em Mi. Em Mi 5 tuổi đang học mẫu giáo mầm non, ngoài Phiếu bé ngoan còn có đến năm sáu cái giấy khen. Khách đến chơi, ai cũng ngắm nghía từng chiếc giấy khen, bằng khen với vẻ ngưỡng mộ không che giấu. Ba mảng tường trong phòng khách là niềm tự hào của cả gia đình. Lại cũng là nơi bà nội hằng ngày lau chùi tu sửa cho ngay ngắn sạch sẽ.
Chính là một hôm thấy bà nội cầm cái phất trần phủi bụi những chiếc bằng khen, giấy khen, huân chương huy chương của cả nhà, bé Mi bỗng kêu thật to và cả nhà cùng giật mình ngơ ngác hết nhìn bà lại nhìn nhau. Bé Mi đã phát hiện ra một điều lạ và hết sức chính xác: Cả nhà ai cũng có giấy khen, bằng khen. Chỉ có bà nội là không!
Chính bà cũng giật mình. Nhưng liền đó bà cười: Bà có thành tích gì đâu mà khen với thưởng! Rồi bà nhìn mọi người âu yếm và như là trần tình, bà bảo: Sáu bảy mươi năm nay, bà vẫn chỉ là bà. Ông đi bộ đội thì bà ở nhà nuôi con rồi nuôi cháu. Còn trẻ thì bà đi cầy đi cấy. Có tuổi thì bà trông nom vườn tược, nuôi con gà con lợn. Bây giờ, bà đã gần tám mươi thì bà ở nhà quét quáy dọn dẹp, trông nhà trông cửa. Hằng ngày, bà chỉ có mỗi một việc là sáng đưa bé Mi đi học, chiều đón bé Mi về. Công ty điện, nhà máy nước đến thu tiền thì bà đóng. Buổi chiều, bà đi ra chợ, mua bìa đậu, lạng thịt, nấu bữa cơm cho cả gia đình ăn. Tối, tổ dân phố gọi thì bà đi họp thay cho cả nhà. Vậy thôi! Bà có công tích gì mà có giấy khen bằng khen. Nếu khen thưởng bà thì hóa ra phải khen cả chục triệu người à!
Năm bà nội 58 tuổi, có người xem đường chỉ tay bà , nói: Nếu bà vượt được cái hạn 59 tuổi thì sẽ sống đến 90 tuổi. Chả hiểu vận hạn là thế nào, năm bà 59 tuổi có thấy ốm đau tai nạn gì đâu. Qua tuổi 60, ngoảnh đi ngoảnh lại, một năm ba vụ lúa không bỏ qua một ngày cấy cầy gặt hái, bà vào tuổi 70 từ lúc nào. Chẳng rức đầu xổ mũi chứ đừng nói là ốm đau phải uống thuốc, phải đi nằm viện. Tới gần 80 bà vẫn còn đi cấy đi gặt, chỉ không gồng gánh được thôi. Con cháu ngăn cản mãi bà mới chịu ở nhà làm vườn và trông nom nhà cửa, nuôi lợn nuôi gà. Kính lão đắc thọ, Nhà nước tặng bà một cái áo vàng, một chiếc khăn vàng. Và mỗi tháng trợ cấp cho bà 180.000 đồng. Nhận tiền, bà đưa số tiền đó cho bố. Bố bảo: Mẹ giữ lấy đi. Bà nói: Không! Để cho trẻ con chúng nó đóng tiền học thêm. Bố nói: Con lo đủ cho các cháu rồi. Bà nói: Tôi cũng có ối rồi! Thì ra, nay bán buồng chuối, mai bán đám rau khoai, lại có lúc đi cấy thuê, cuốc mướn, được đồng nào bà đã dành dụm lại. Bà nói có ối, nhưng là bao nhiêu thì bà không nói.
Thấm thoắt bà đã gần 90. Bà vẫn khỏe. Vẫn chẳng biết ốm đau là gì. Vẫn chẳng uống qua một viên thuốc B1. Vẫn không ăn sáng, vẫn ngày hai bữa cơm rau. Các nhà khoa học về dinh dưỡng đến thăm, hỏi: Bí quyết gì mà bà khỏe thế? Bà bảo: Tôi không biết. Hỏi tiếp: Bà ăn uống thế nào? Bà chưa kịp trả lời, Hiệp Khuê Mi đã nhao nhao: Bà ăn tiết kiệm lắm. Chỉ tinh dưa cà thôi. Mà mặn khiếp. Mọi người cười: Giếng đâu thì dắt anh ra. Kẻo anh chết khát vì cà nhà em. Các nhà khoa học nói: Bà ăn nhạt đi nhé. Với lại, bà già rồi, cần ăn đủ chất, đừng bóp mồm bóp miệng. Bà bảo: Ăn thế nào từ bé đã quen miệng rồi. Với lại, giờ không như con cháu; con cháu chúng ăn năm làm ra mười, mình ăn bao nhiêu là mất bấy nhiêu, không làm thêm được cái gì. Bố làu bàu: Bà lao động gần một thế kỉ rồi còn chưa đủ hay sao! Bà chẳng nói gì và đâu vẫn hoàn đấy.
Đầu năm nay bà đã vào tuổi 95. Sau Tết, bà gọi bố lại, nói: Mẹ tính nếu mẹ nằm xuống thì cũng đủ tiền mua cỗ hậu sự và thuê thợ kèn rồi, các con khỏi phải lo. Bố gạt đi: Mẹ nói gở cái gì thế! Bà cười: Ừ thì cứ phòng xa thế! Chiều ấy, bà cầm cuốc vun mấy gốc đao giềng ở ngoài vườn, vãi ngô cho đàn gà ăn, rồi đun một nồi nước lá xả, tắm gội thật lâu. Sau đó, bà pha một ấm chè đặc, ngồi uống, rồi đi nằm. Đến bữa, con cháu gọi, bà nói, vẫn còn no, không ăn.
Sáng sau, bố vào buồng vắt màn cho bà, sờ chân tay bà thì thấy đã bắt đầu lạnh. Bà đi về cõi khác lặng lẽ, thanh thản. Con cháu làm đám tang cho bà, tính ra không phải bỏ thêm đồng nào. Cỗ ván 2 triệu. Đám thợ kèn quý bà không nhận tiền công. Lễ tang ăn uống mất 1 triệu nữa. Còn 2 triệu mọi người tính: đem đi gửi tiết kiệm lấy lãi để xây mộ và hằng năm cúng giỗ bà. Một đời người đã đi qua, lặng thầm giản dị, chẳng phiền hà ai!