AutoTimes
Cuối năm ngoái, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc đã phải mở đợt triệu hồi toàn cầu đối với mẫu Hyundai Kona do nguy cơ đoản mạch. Tuy nhiên, mới đây, một chiếc xe đã được sửa lỗi vẫn bốc cháy khi đang sạc.
Theo Korea Herald, vụ cháy xảy ra hôm 23/1, khi chiếc Hyundai Kona EV đang sạc tại một trạm sạc công cộng ở thành phố Daegu. Trước đó, nhà sản xuất Hàn Quốc đã ghi nhận tổng cộng 13 vụ cháy xe Kona EV trên toàn thế giới, trong đó có một tại Áo và một vụ tại Canada. Tuy nhiên, điều đáng nói là, chiếc xe bị cháy hôm 23/1 đã được thay bộ pin mới trong đợt triệu hồi năm ngoái.
Cơ quan An toàn Giao thông Vận tải Hàn Quốc (KTSA) đang tiến hành điều tra nguyên nhân, dự kiến sẽ thay pin để phòng rủi ro.
Với “vết đen” trong hồ sơ, cùng với thực tế là chiếc xe Kona EV bất ngờ bốc cháy ngay cả khi đã được sửa chữa buộc KTSA phải xem xét ký chương trình trình triệu hồi và sửa chữa của Hyundai. Theo báo cáo từ Bộ Giao thông Hàn Quốc, toàn bộ số xe Kona EV thuộc diện triệu hồi cuối năm 2020 được sản xuất trong giai đoạn từ ngày 29/9/2019 đến 13/3/2020.
Trong trường hợp xấu nhất, Hyundai sẽ phải triệu hồi khoảng 77.000 chiếc xe trên toàn cầu lần thứ hai. Lần này, các cơ quan giám sát của chính phủ Hàn Quốc có thể sẽ yêu cầu Hyundai sử dụng một thiết kế tốt hơn dành cho bộ tách pin hoặc bất cứ chi tiết nào có thể xảy ra lỗi.
Phiên bản tiêu chuẩn của Hyundai Kona 2021 sử dụng bộ pin 39,2 kWh kết hợp cùng mô-tơ điện có công suất 134 mã lực và mô-men xoắn cực đại 395 Nm. Xe có khả năng tăng tốc 0-100 km/h trong 9,9 giây, tốc độ tối đa là 155 km/h. Phiên bản cao hơn được trang bị bộ pin 64 kWh, đi kèm là mô-tơ điện 201 mã lực, mô-men xoắn cực đại tương tự bản tiêu chuẩn. Động cơ này giúp xe tăng tốc 0-100 km/h trong 7,9 giây, tốc độ tối đa 167 km/h.
Phạm vi hoạt động trong một lần được sạc đầy cho 2 phiên bản 39,2 kWh và 64 kWh lần lượt là 305 km và 484 km. So với đời cũ, phiên bản dùng động cơ 64 kWh có phạm vi hoạt động lớn hơn nhờ những cải tiến về chất lượng lốp xe. Đây là mẫu xe sử dụng pin do LG Chem sản xuất.
Ngay sau khi báo cáo của KTSA được công bố, giá cổ phiếu của Hyundai đã giảm một chút so với các chi phí có thể phát sinh khi tiến hành triệu hồi xe quy cơ lớn như vậy. Triệu hồi xe do lỗi cần gạt nước hay phần mềm đã tốn kém, do lỗi pin lithium-ion hẳn sẽ tốn kém hơn rất nhiều.
Hyundai hiện chưa đưa ra bình luận nào về vụ việc này. Nhà sản xuất Hàn Quốc dự kiến sẽ tung ra một mẫu xe điện mới, Ioniq 5 – mẫu xe đầu tiên của hãng sử dụng nền tảng chỉ dành cho EV mới – vào tháng tới.
Gia Bảo
Theo Autoevolution