Những chiếc xe như Honda 67, Super Cub, Mobylette là tài sản lớn của nhiều gia đình thời bấy giờ, thậm chí còn được gọi là xe “siêu sang”.
Bên cạnh những dòng xe ngày càng được nâng cấp như hiện nay, xe “cổ” vẫn có chỗ đứng riêng trong lòng những người say mê nói chung, và người Việt nói riêng. Dưới đây là một số mẫu xe cổ đã in sâu vào trong kí ức của nhiều người Việt.
Honda 67
Honda 67 là một trong những chiếc xe đã tạo nên tên tuổi của Honda Motor, được sinh ra cùng thời với chiếc Honda Cub. Chiếc xe này được sản xuất lần đầu vào năm 1962. Sau khi nước Nhật bị rơi vào thời kì khủng hoảng kinh tế do thua trận sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Thời bấy giờ, đa số người dân bắt đầu dùng xe máy làm phương tiện đi lại chủ yếu, thay thế cho ôtô. Cũng chính do khủng hoảng năng lượng, giá xăng dầu tăng cao nên Honda Motor đã cho sản xuất chủ yếu hai dòng xe 50 phân khối, là Honda Cub dành cho nữ giới và Honda 67 cho nam giới.
Honda 67 xuất hiện tại Việt Nam từ thời Việt Nam Cộng Hòa, phục vụ việc đi lại của các tầng lớp khá giả. 3 dòng xe Honda 67 chủ yếu thời đó là SS 50 được sản xuất vào năm 1967, SS 50E sản xuất năm 1971 và SS 50V vào năm 1972.
Việc tìm mua một chiếc Honda 67 còn “zin” vào thời điểm này thật sự rất khó và số tiền bỏ ra có thể lên tới hàng chục triệu đồng, nên nhiều tay chơi dòng xe này thường phải mua xe cũ về tinh chỉnh lại.
Honda Super Cub/Honda Cub (hay còn được biết với tên “Cánh Én”)
Xe Honda Cub (là Honda Super Cub, ban đầu gọi là Honda C100 hay Honda 50) là loại môtô có động cơ xăng 4 thì, dung tích xy-lanh 49 phân khối, đã được hãng Honda Motor sản xuất lần đầu tiên vào năm 1958 ở thị trường Mỹ.
Chữ Cub là viết tắt của “Cheap Urban Bike” (Xe Đô thị Rẻ tiền), Honda đã tìm ra cách để tăng công suất và hiệu suất của động cơ 4 thì, và công ty đã tấn công vào thị trường vốn đã bị chinh phục bởi các kiểu xe với động cơ 2 thì của các hãng khác. Và Honda đã thành công, Honda Cub trở thành loại xe môtô thành công nhất trong lịch sử, và đã đem lại lợi nhuận khổng lồ cho “thương hiệu cánh chim”.
10 năm sau, năm 1968, Honda Cub được nâng cấp toàn diện, động cơ đổi từ loại thanh mở van 4,5 mã lực thành loại SOHC 4,9 mã lực. Đồng thời Honda cho ra phiên bản mạnh hơn (70 và 90 phân khối). Năm 1970, Honda thay bộ vít lửa bằng bộ đánh lửa CDI, nhằm làm giảm ô nhiễm của khí thải.
Ở Việt Nam, Super Cub hay Cub đã quá phổ biến đến nỗi người ta gọi xe chung môtô là xe Honda. Năm 2006, loạt chương trình về xe môtô của kênh truyền hình Discovery Channel đã đánh giá Honda Cub là chiếc xe số một, là siêu sao trong mọi loại môtô.
Nhưng gần đây, tại Sài Gòn nói riêng, trào lưu đi tìm lại sự “hoài cổ” đang thịnh hành với mốt chơi Cub “độ”. Người chơi xe cổ nói chung và chơi dòng xe Cub nói riêng luôn muốn thể hiện cá tính của mình, từ việc chọn màu hay những phụ tùng hiếm, độc đáo.
Simson
Simson là dòng xe máy xuất hiện ở Việt Nam vào thời bao cấp, được cho là “siêu xe”, vừa đắt đỏ, sành điệu, vừa hiếm có của những tay chơi nhất nhì thời bấy giờ. Không chỉ là biểu tượng của sự giàu có, Simson còn là phương tiện rất thích hợp với địa hình khúc khuỷu, gập ghềnh như vùng núi, nhờ được trang bị bộ giảm sóc êm và động cơ mạnh mẽ.
Simson là hãng xe nổi tiếng của Đông Đức (cũ) trước chiến tranh thế giới thứ II. Thành lập năm 1856 bởi Lob và Moses, xuất phát của Simson là nhà máy sản xuất vũ khi phục vụ chiến tranh. Sau thế chiến II, chủ nghĩa phát xít bị lật đổ, Simson được Liên xô tiếp quản.
Năm 1947, nhà máy sáp nhập vào SAG Awtowelo (Soviet Avtovelo Company Limited). Phần lớn các sản phẩm mà Simson sản xuất ra ở thời kỳ này dành để xuất khẩu sang các nước thuộc liên bang Xô Viết.
Giai đoạn xe 2 thì của Simson phát triển từ năm 1955 đến 1990, đây cũng chính là khoảng thời gian sản sinh ra các mẫu 2 thì được “ưa chuộng” tại Việt Nam. Năm 1955, khi mà chiếc 425S 4 thì ra đời cũng là thời điểm Simson giới thiệu các mẫu xe 2 thì, đầu tiên chính là SR 1 sử dụng động cơ 48 phân khối có công suất 1,5 mã lực.
Năm 1975, chiếc S50 ra đời với hình ảnh hoàn toàn mới so với các mẫu xe trước đó. Tiếp theo đó là S51, S70, những cái tên xuất hiện nhiều ở Việt Nam thời bấy giờ.
Ở Việt Nam, khoảng những thập niên 70 – 90 thế kỷ trước, Simson xuất hiện và được ví như là những chiếc xe “sang”. Chủ yếu được mang về từ nước ngoài bởi những người “Việt kiều”.
Vespa
Vespa là thương hiệu của dòng sản phẩm xe gắn máy yên thấp bánh nhỏ (scooter) của hãng Piaggio, Ý. Dòng xe này ra đời từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và ngày nay nó vẫn tiếp tục được sản xuất cũng như cải tiến.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các nhà máy của Piaggio, vốn được biết đến như hãng sản xuất máy bay chiến đấu cho quân đội Ý, phải ngừng công việc liên quan đến khí tài và đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Cùng lúc đó, do hậu quả của việc thua trận, đời sống của người Ý trở nên thiếu thốn, phương tiện giao thông chủ yếu là xe đạp vì giá xăng dầu đắt đỏ và đường giao thông bị tàn phá. Nắm bắt được nhu cầu về một loại phương tiện giao thông thuận tiện và tiết kiệm, ông chủ của hãng Piaggio lúc đó là Enrico Piaggio đã đề ra hướng đi mới cho các nhà máy và công nhân của mình: Chuyển từ sản xuất phục vụ quân sự sang phục vụ dân sự.
Mẫu đầu tiên của nhà thiết kế tài ba với cái tên “Paperino” (Donald Duck). Ông đã thực hiện nhiều thay đổi trên mẫu này tạo ra cuộc cách mạng về thiết kế như bỏ truyền động bằng xích, bánh xe được điều khiển trực tiếp từ hộp số, cần số đặt trên tay lái, khung xe nguyên khối thiết kế gắn liền với thân xe để bảo vệ người lái.
Mẫu MP6 đã được hoàn thành vào tháng 4/1946. Lần đầu tiên nhìn thấy MP6, Enrico Piaggio đã quyết định sản xuất hàng loạt, với tên gọi mới là Vespa 98cc, gồm đầy đủ các tính năng thời thượng như đồng hồ tốc độ, chân chống cạnh và lốp xe viền trắng sành điệu.
Vượt qua sự hoài nghi, sản lượng xe Vespa tăng vọt từ 2.484 xe vào năm đầu tiên lên 19.822 xe vào 1948. Piaggio là đơn vị đầu tiên được cấp phép kinh doanh tại Đức, xe Vespa đã đạt doanh số 60.000.
Ba năm sau, con số này đã lên tới 171.200 xe và số đại lý Piaggio trên thế giới lên đến hơn 10.000 chi nhánh. Sự phát triển thần kỳ này mới chỉ là khởi đầu cho thời kỳ hoàng kim của xe Vespa sau này: sản xuất tại 13 nước và bán tại 114 quốc gia trên khắp thế giới.
Xe lam
Xe lam là tên gọi tiếng Việt của xe 3 bánh, một thời là một phương tiện giao thông công cộng phổ biến ở Việt Nam nhất là ở miền Nam Việt Nam từ thập niên 1960, dành cho người lao động bình dân.
Tên gọi “xe lam” xuất hiện từ thời đó, do dùng kiểu Lambro do thuộc dòng xe Lambretta sản xuất ở Ý. Sau này xe được người dân tự chế với các động cơ nhập hoặc dùng động cơ xe máy khác. Trên thế giới giao thông dùng xe 3 bánh, với tên gọi như “Tuktuk”, vẫn còn phổ biến tại một số nước như Sudan, Bangladesh, Ấn Độ, Thái Lan…
Xe lam là loại xe thùng nhỏ có 3 bánh xe, gồm một cabin cho tài xế ngồi lái phía trước và một thùng xe để chở khách hay chở hàng phía sau, có thể chở từ 8 đến 10 hành khách. Phân chia 3 bánh thì một bánh xe đặt phía trước, người lái có thể điều khiển để quẹo trái hay phải, còn hai bánh sau chịu đựng phần thùng xe. Dưới ghế ngồi của tài xế là thùng đặt máy xe.
Khoảng những năm 1966 – 1967, chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã tiến hành một chương trình mang tên “Hữu sản hóa” nhằm cung cấp phương tiện hành nghề chuyên chở công cộng cho những lao động cần việc làm và cũng để cải thiện đời sống cho người nghèo và phát triển hạ tầng cơ sở vận tải, trong đó có việc cho vay vốn và sẽ được trả góp để mua taxi và xe lam hành nghề.
Giá 1 chiếc xe lam vào thập niên 1960 tại Sài Gòn lúc đó khoảng 30 cây vàng nhưng đem lại nhiều lợi nhuận cho người chủ xe. Số lượng xe lam riêng tại Sài Gòn là 2.300 chiếc xe vào đầu thập niên 1960, sang thập niên 1970 thì tăng lên 4.000 chiếc.
Đặc biệt, sau khi thống nhất năm 1975, các phương tiện cơ giới khác bị thiếu xăng hoặc thiếu phụ tùng thay thế không sử dụng được, thì xe lam được dùng làm phương tiện phổ biến rẻ tiền và bước vào thời vàng son.
Tại Việt Nam, từ năm 2004, sau khi Nghị định 23/2004/NĐ-CP ban hành (Nghị định quy định về niên hạn sử dụng đối với các loại ôtô tải và ôtô chở người tham gia giao thông trên hệ thống đường bộ), xe lam bị hạn chế và dần bị cấm hẳn.
Xe lam còn tồn tại như phương tiện công cộng ở Thành phố Hồ Chi Minh dưới dạng xe buýt 12 chỗ hiệu Dasu cho một số tuyến đường nhỏ, hẹp và được thay thế dần bởi các xe lớn hơn. Đến năm 2020, hiện vẫn còn 10 chiếc xe lam Dasu của tuyến 37 (đi từ cảng quận 4 đến Nhà Bè) vẫn được hoạt động do tuyến đường vẫn còn nhiều cầu sắt nhỏ.
Mobylette
Mobylette là một dòng xe đến từ kinh đô hoa lệ Paris, xe đã từng làm mưa làm gió tại thị trường xe máy Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Ở Việt Nam, xe Mobylette du nhập vào những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, chủ yếu vào miền Nam và gắn liền với đời sống người dân thành thị thời kỳ trước năm 1975.
Mobylette cổ hay còn được biết đến với cái tên ngắn gọn hơn nhưng ít được ai gọi, là xe “Moby”. Đây là một sản phẩm của hãng Motobecane đến từ nước Pháp vào nửa sau thế kỷ 20.
Motobecane là một thương hiệu được thành lập bởi Charles Benoit và Abel Bardin. Cả hai trước đó đều làm chung trong nhà máy SICAM. Năm 1923 họ rời khởi và quyết tâm xây dựng nên Motobecane. Họ đã tạo những mẫu Motocicleta đầu tiên đó là chiếc MB1 có xy-lanh đôi, dung tích 175 phân khối.
Ngay từ khi mới ra đời, những mẫu 50cc nói chung của hãng và Mobylette nói riêng đã được thiết kế khá tao nhã. Những mẫu xe này được ra mắt vào năm 1949 và nó tồn tại được trên thị trường gần nửa thế kỷ.
Theo đó, nó bị dừng sản xuất vào năm 1997. Chỉ trong gần nửa thế kỷ đó, cụm từ “Mobylette” đã trở thành một định nghĩa chung trong tiếng Pháp chỉ về một dòng xe có một động cơ chạy bằng xăng có công suất nhỏ và một bàn đạp.
Đến năm 1981, do không đảm bảo được tiêu chuẩn khí thải, doanh số bán hàng của Mobylette đã giảm thậm tệ đến nỗi Motobecane đã phải ngừng sản xuất Mobylette. Motobecane sau đó đã nhượng lại quyền sản xuất cho hãng xe nổi tiếng của Nhật Bản là Yamaha.
Cho đến năm 1984, mẫu xe này có một cái tên mới là “MBK”. Tuy nhiên, dù được thay chủ nhưng tình hình sản xuất của Mobylette cũng không mấy khả quan. Đến năm 1997 thì Mobylette được ngừng sản xuất hoàn toàn.
Nguồn và Ảnh: Tổng hợp.