Việc Apple dự kiến ra mắt xe hơi tự lái vào năm 2024 làm nhiều người nghĩ rằng liệu các công ty công nghệ có thể trở thành nhà sản xuất ô tô?
Trong các nền tảng xe điện trong tương lai, ô tô sẽ trở thành “máy chủ đặt trên bánh xe” với các cụm máy tính trung tâm có thể nâng cấp, khả năng xử lý của trí tuệ nhân tạo (AI) và những trải nghiệm được kết nối thông qua một hệ sinh thái công nghệ. Hướng đi này liên quan trực tiếp đến công việc của các gã khổng lồ công nghệ như Microsoft, Apple, Amazon và Alphabet.

Các đại gia công nghệ vốn đã đi đầu trong việc phát triển công nghệ xe tự lái. Waymo, công ty con khác của Alphabet, tuyên bố công khai rằng họ không có ý định sản xuất ô tô mà thay vào đó tập trung phát triển công nghệ. Tương tự như vậy, việc Amazon mua lại startup xe tự lái Zoox cũng là một động thái thú vị đối với thị trường.
Những lợi thế và rào cản
Đầu tiên, các công ty này cần kiểm soát toàn bộ nền tảng để bảo đảm trải nghiệm người dùng, sau đó sẽ bước chân vào sản xuất phần cứng. Microsoft làm như vậy với máy tính Surface còn với Google là chiếc điện thoại Pixel. Tuy nhiên trong cả hai trường hợp, việc sản xuất phần cứng diễn ra sau khi hai công ty này bắt đầu mất đi quyền kiểm soát quan trọng.
Đối với ngành công nghiệp xe hơi, các đại gia công nghệ chưa bao giờ có được sự kiểm soát hoàn toàn như vậy đối với phần cứng, mặc dù họ đã đạt được những bước tiến đáng kể với phần mềm.
Microsoft hay Google cũng có thể tung ra một sản phẩm hoàn toàn mới, giống như cách Amazon làm với Echo/Alexa. Alexa chắc chắn sẽ không thể thành công như hiện tại nếu thiếu đi phần cứng, mặc dù nó được bán với giá rẻ hơn giá thành sản xuất. Nhưng vấn đề là bạn không thể làm điều đó trong ngành công nghiệp xe hơi.

Cũng không thể bỏ qua những khó khăn truyền thông khi chen chân vào thị trường ô tô, đặc biệt là về mặt tài chính. Đối với các công ty như Alphabet hay Microsoft, rất có khả năng các cổ đông sẽ cho phép họ nhảy vào một thị trường với yêu cầu vốn cao và tỷ suất lợi nhuận thấp hơn đáng kể.
Một nghiên cứu chung của Boston Consulting Group (BCG) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy người tiêu dùng vẫn đặt niềm tin vào các hãng xe truyền thống trong việc phát triển xe tự lái hơn là các hãng công nghệ. Tuy nhiên người mua cũng đồng thuận rằng các nhà sản xuất xe hơi cần hợp tác với các công ty công nghệ để hoàn thiện công nghệ này.
Một xu hướng đang mang lại lợi thế cho các công ty công nghệ đó là sự phát triển nhanh chóng của các loại xe điện chạy pin. BCG dự đoán đến năm 2027 sẽ có khoảng 90 nền tảng khung gầm dành riêng cho xe điện, mặc dù chỉ có 13% trong số này là dành cho những chiếc xe sản xuất đại trà.
Thêm vào đó kiến trúc của xe điện đơn giản hơn nhiều so với động cơ đốt trong, và giá thành sản xuất pin đang giảm nhanh tạo cơ hội cho các nhà sản xuất theo hợp đồng sản xuất xe điện dựa trên các khung gầm đại trà. Nếu quá trình tiêu chuẩn hóa này trở thành hiện thực, ngành công nghiệp xe hơi sẽ bắt đầu giống lĩnh vực điện thoại thông minh hơn, vì các rào cản để tham gia được giảm bớt.
Gián đoạn thị trường
Trong kịch bản này, việc các đại gia công nghệ trở thành nhà sản xuất xe hơi là điều gần như chắc chắn.
Đầu tiên, như đã tuyên bố, Apple có thể làm gián đoạn thị trường bằng việc tung ra chiếc xe của riêng minh. Apple có thể thiết kế phần cứng, công nghệ cảm biến, phần mềm và dịch vụ độc đáo cũng như không phải hợp tác về điện toán đám mây giống như các công ty khác.

Các nhà sản xuất xe hơi truyền thống chắc chắn sẽ không từ bỏ hoàn toàn việc kiểm soát trải nghiệm người dùng, vì vậy cách duy nhất để Apple kiểm soát hệ sinh thái đầu-cuối của họ là tung ra chiếc xe của mình.
Nếu Apple chuyển sang lĩnh vực sản xuất xe hơi, con đường thâm nhập của họ sẽ dựa vào một nhà sản xuất theo hợp đồng, tương tự như cách tiếp cận của họ trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng, thay vì tự sản xuất một chiếc xe. Cũng giống như việc Mercedes thuê Magna Steyer để sản xuất G-Class, Apple có thể thuê một nhà thầu nào đó để làm ra chiếc “iCar” cho họ.
Thứ hai, Amazon có thể làm dày hệ sinh thái của mình theo chiều dọc bằng cách sở hữu một công ty xe điện. Họ đã đầu tư rất nhiều tiền vào startup xe điện Rivian để phát triển một đội xe tải điện phục vụ mạng lưới vận chuyển của mình. Xa hơn nữa, người khổng lồ thương mại điện tử có thể tích hợp các công nghệ của họ và tái định nghĩa cách hoạt động của những chiếc xe tải.
Cuối cùng, các tập đoàn khổng lồ của Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sở hữu những tiềm năng thú vị, vì họ vừa có kinh nghiệm trong phần mềm cũng như công nghệ sản xuất pin – vốn là 2 trụ cột của những chiếc xe điện tương lai. Họ cũng có khả năng sản xuất ở quy mô công nghiệp để hỗ trợ việc tạo ra chiếc xe hơi của mình. Điều này được thể hiện với Vision S – chiếc concept mà Sony hợp tác với Magna Steyer sản xuất.
Nguồn: Tổng hợp