AutoTimes
Chốt giả dây an toàn, các vật trang trí để mặt táp-lô, tinh dầu treo trên kính chiếu hậu trong xe, đệm nằm… là những phụ kiện được không ít tài xế sử dụng nhưng nó có thể để lại hậu quả khó lường.
Sau khi sở hữu xe hơi, chủ nhân thường trang bị cho “vợ hai” của mình các món trang trí, tăng độ tiện nghi hay tạo sự thoải mái trong quá trình sử dụng.
Tuy nhiên không phải phụ kiện nào cũng nên lắp mà trái lại, có những sản phẩm có thể gây nguy hiểm hoặc ảnh hưởng đến quá trình vận hành xe.
Chốt giả dây an toàn
Mua phụ kiện này, bạn sẽ mất tiền và nhận về… sự nguy hiểm cho bản thân và người thân. Dây đai an toàn trên ô tô được sinh ra để bảo vệ hành khách và theo quy định thì hành khách trên xe phải thắt. Vì thế trên hầu hết xe đời mới hiện nay sẽ phát ra cảnh báo khi người ngồi hàng trước không thắt dây an toàn.
Tuy nhiên, một số người coi thường sự an toàn nên đã mua chốt cắm giả để “lừa” chiếc xe rằng đã thắt, nhờ đó mà không bị làm phiền bởi âm thanh nhắc nhở. Một kiểu “đánh lừa” khác là thắt dây vòng qua ghế. Hậu quả kép là hành khách không được bảo vệ bởi dây đai an toàn, trong trường hợp tai nạn xảy ra có thể bị tác dụng ngược của túi khí.
Tinh dầu, vòng trang trí treo gương chiếu hậu
Một số người thích treo tinh dầu, nước hoa, gấu bông, chuông gió… ở phía sau gương chiếu hậu trong xe. Điều này có thể gây ảnh hưởng tới tầm nhìn, khiến lái xe xao nhãng. Trong một số tình huống va chạm, các phụ kiện đó cũng có thể vô tình tác động lên những người ngồi trong ô tô.
Riêng với nước hoa và đặc biệt là tinh dầu, không ít trường hợp người dùng để rớt một vài giọt xuống khu vực táp-lô, bảng điều khiển điều hòa hay màn hình giải trí… khiến phần nhựa ở đó bị bong tróc. Trong trường hợp sử dụng hóa chất hay hương liệu không tốt, trong thời gian dài thì có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe.
Tượng đá, hộp khăn giấy trên táp-lô
Không chỉ làm giảm tầm quan sát, việc đặt những phụ kiện không cần thiết lên mặt táp-lô còn có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Có thể kể đến như tài xế gắn tượng đá hay hộp khăn giấy… Lúc bình thường chúng được cố định bằng keo nhưng nó hoàn toàn có thể bị bung ra. Nếu nhẹ thì rơi vỡ và làm trầy xước nội thất, nặng hơn có thể va vỡ kính, thậm chí nguy hiểm tới sức khỏe.
Một thời gian từng rộ lên phong trào gắn mặt cười nhún nhún trên táp-lô nhưng không lâu sau, nhiều người đã phải tháo vội vì thấy bị mất tập trung, thậm chí hoa mắt. Song không chỉ tháo mà xong, vết keo để lại không dễ mà tẩy sạch, dễ hằn vết khi mà mặt táp-lô thường sử dụng chất liệu nhựa mềm, khó hồi phục.
Đính đá logo vô-lăng, logo trang trí
Vật trang trí này tưởng như vô hại nhưng vô tình trở thành “hung khí” tới những người trên xe khi không may xảy ra tai nạn. Trong trường hợp ô tô xảy ra va chạm mà bung túi khí, chính những viên đá hay logo gắn thêm có thể bị văng đi, bắn vào lái xe cùng các hành khách. Có thể vụ tai nạn không nghiêm trọng nhưng chính những phụ kiện lắp thêm lại khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.
Tấm che, thảm phủ táp-lô
Phụ kiện này được xếp vào nhóm lợi bất cập hại khi một số tài xế cho rằng nó giúp giảm nhiệt hấp thụ, đỡ lóa hơn khi lái xe liên tục trong trời nắng. Nhưng ngược lại, sự xuất hiện của tấm thảm trên mặt táp lô có thể ảnh hưởng tới khả năng, tốc độ bung túi khí và từ đó làm giảm hiệu quả bảo vệ mà nhà sản xuất trang bị trên ô tô
Bảo Linh