Nhà sản xuất ô tô điện Tesla đang có kế hoạch sử dụng công nghệ radar bước sóng siêu ngắn trên ô tô điện của mình trong thời gian tới.
Trong hồ sơ mà Tesla gửi đến Ủy bản Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ – FCC hồi tháng 01/2021, Tesla đã đăng ký thiết bị Cảm biến radar có bước sóng siêu ngắn có thể áp dụng trên đường phố.
Các hệ thống radar siêu nhỏ giúp hoạt động cảm biến của xe tự lái trở nên an toàn hơn. Radar bước sóng siêu nhỏ (mmWave) là một công nghệ cảm biến có khả năng phát hiện các đối tượng và cung cấp phạm vi, vận tốc và góc của các đối tượng.
Đây là một công nghệ không tiếp xúc, hoạt động trong dải tần từ 30 GHz – 300 GHz. Do công nghệ sử dụng bước sóng nhỏ, mmWave có thể cung cấp độ chính xác dưới mm và có thể xuyên qua các vật liệu nhất định như nhựa, vách thạch cao, quần áo và không thấm vào các điều kiện môi trường như mưa, sương mù, bụi và tuyết.
Công nghệ radar có thể giúp xe phát hiện chướng ngại vật ở phạm vi nguy hiểm, đưa ra cảnh báo cho người lái. Đối với những xe được trang bị công nghệ này, hệ thống phanh có thể được cài đặt chế độ tự động để tránh va chạm hoặc giảm nhẹ thiệt hại. Trong một số xe hơi, đầu vào lái tự động cũng được sử dụng.
Tất cả các xe Tesla đều được trang bị bộ cảm biến này trong đó có các phiên bản tương tự kể từ năm 2016 và một số bản cập nhật phần cứng đã được giới thiệu trong những năm qua. Và hiện tại, có vẻ như Tesla đang chuẩn bị giới thiệu một loại radar mới cho bộ cảm biến.
Thị trường xe tự lái hiện sôi động với cuộc đua về radar và LiDAR. Nổi bật là các ông lớn về công nghệ như Alphabet, là công ty mẹ của Google, Amazon, Intel.
Về cơ bản, LiDAR và radar có chức năng tương tự nhau – giúp phát hiện sự hiện diện và khoảng cách của các vật thể ở xa. Bước sóng của radar là từ 30 mm đến 3 cm, trong khi LiDAR có bước sóng trong phạm vi micromet.
Với bước sóng của nó, radar có thể phát hiện các đối tượng ở khoảng cách xa và xuyên qua sương mù hoặc mây. Nhưng độ phân giải của radar bị giới hạn bởi kích thước của ăng-ten. Độ phân giải của radar tiêu chuẩn là vài mét ở khoảng cách 100 mét. Trong khi đó, LiDAR là một giải pháp nhỏ gọn cho phép lập bản đồ 3D ở mức độ chính xác cao. Ở khoảng cách 100 mét, hệ thống LiDAR có độ phân giải vài cm.
Tuy nhiên, cản trở lớn nhất với những sản phẩm xe tự lái thương mại chính là chi phí sản xuất. Google từng phải chi hơn 70 nghìn USD cho 1 hệ thống LiDAR để thực hiện các dự án nghiên cứu về xe tự lái. Đến nay, LiDAR vẫn mới chỉ được dùng cho các hoạt động thử nghiệm.
Là một nhà sản xuất xe tự lái ngay từ thời điểm đầu, Tesla đã đưa ra quyết định rõ ràng là “đặt cược” vào hệ thống máy tính được hỗ trợ bởi camera và được bổ trợ bằng radar. Công ty cũng áp dụng hệ thống gồm 8 camera được gắn xung quanh xe của mình kèm 12 cảm biến siêu âm (có chức năng đo khoảng cách của xe với các sự vật xung quanh) và một radar phía trước xe.
Hiện tại, radar vẫn được đánh giá cao về mức độ tin cậy và hiệu quả, và cũng là một sự lựa chọn tiết kiệm chi phí nhất. Điều đó có thể thay đổi khi các công nghệ khác xuất hiện hoặc cải tiến, nhưng dự kiến trong tương lai, với chi phí rẻ hơn so với LiDAR, công nghệ radar được hứa hẹn vẫn sẽ được sử dụng chủ chốt trong ngành sản xuất xe tự lái.